Các tư liệu về lịch sử nghệ thuật tuồng cho thấy, năm 1627 Đào Duy Từ là người đầu tiên mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế ngày nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư, và coi năm 1627 là mốc khởi đầu của lịch sử tuồng Huế.
Từ thế kỷ 17, tuồng Huế đã được hình thành và nhanh chóng chiếm được tình cảm của dân chúng. Quan trọng hơn, tuồng được các chúa Nguyễn trọng dụng để dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam.
Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Quốc được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Huế năm 1695 đã kể lại khá chi tiết buổi xem diễn tuồng trong phủ chúa. J. Barrow trong tác phẩm “A Voyage to Cochinchine in the year 1792- 1793” cũng vẽ lại cảnh diễn tuồng ở Đàng Trong thời Tây Sơn.
Nghệ thuật tuồng Huế trải qua ba thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân, và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức từng tổ chức hàng ngũ sáng tác tuồng gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn - sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng.
Tuồng đã được biểu diễn trong nhà hát ở Đại nội như: Duyệt Thị đường, Tĩnh Quang viện, Thông Minh đường, Khiêm Minh đường... Dưới thời vị vua này, nhiều vở tuồng được sáng tác, hàng trăm đào kép giỏi quy tụ về kinh đô.
Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Còn vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào kép giỏi. Ông không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy hát bội. Thành Thái cũng là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn từng lên sân khấu diễn tuồng “đóng trò”, đồng thời là một tay trống tuồng tài ba.
Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng, ông thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định. Vua cũng ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển.
Theo nghiên cứu của các nhà phê bình, từ sau thời Tự Đức thì tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình, trở thành sân khấu quần chúng bình dân. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi “đào, “kép” riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.
Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu được thành lập. Sân khấu tuồng từ trước vốn chỉ phục vụ vua quan triều đình, dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945 có: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh...
Tên tuổi những cô đào tài sắc vẹn toàn nổi tiếng thời Khải Định như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Đồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.
Theo nghiên cứu, nghệ thuật tuồng được các chúa Nguyễn trọng dụng và khuyến khích do phù hợp với chủ trương “phù Lê diệt Trịnh”, tôn trọng dòng dõi đế vương. Vì vậy, triều Nguyễn có đóng góp lớn vào việc phát triển nghệ thuật và nâng cao kịch bản tuồng Huế.