Sử dụng cách nói ẩn ý: Nếu trong quá trình giao tiếp, bạn cảm thấy không nên nói thẳng ra thì hãy dùng cách nói ẩn ý, đảm bảo mục đích ngầm khuyên răn, thuyết phục đối với người nghe. Đây cũng là phép lịch sự trong giao tiếp giúp cho đối phương không bị rơi vào những tình huống bối rối.
Tuy nhiên, trong tình huống này, người nghe cũng phải là người biết suy nghĩ, có thiện chí, hiểu được những điều ẩn ý đó. Hai người nên có trình độ tương đương hoặc có mối giao cảm lâu năm, gắn bó đủ để cảm thông lẫn nhau thì phương pháp này mới có tác dụng.
Tìm người cùng chung chiến tuyến: Trước một tình huống “khó nhằn” trong quá trình giao tiếp đòi hỏi bạn phải thể hiện được quan điểm một cách rõ ràng và đem lại hiệu quả cao đối với những người xung quanh để kéo theo được nhiều người cùng chung chiến tuyến với bạn.
Nếu có nhiều người cùng đồng tình với quan điểm của bạn thì sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn, một sức ép tinh thần làm đối phương không phản kích lại được. Còn nếu vẫn chưa thuyết phục được người nghe thì có nghĩa là quan điểm của bạn chưa thực sự khả thi.
Chuyển bại thành thắng: Khi bạn bị đẩy vào tình huống bất lợi, có nguy cơ thất bại, bạn cần phải bình tĩnh, suy nghĩ ngay đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Hãy xử lý tình huống thật thông minh bằng cách tìm xem có cách gì để hạn chế mức thấp nhất những tác hại có thể xảy đến.
Thuyết phục bằng hành động: Nếu thuyết phục người khác bằng lời nói không được thì hãy hành động. Thông qua việc làm, hành động cụ thể, ta có thể làm cho đối phương thay đổi suy nghĩ, tình cảm, thái độ, chấp nhận ý kiến của ta.
Giao tiếp linh hoạt: Dân gian có câu “Lạt mềm buộc chặt” chính là ngụ ý về các ứng xử trong giao tiếp giữa người với người một cách khôn khéo giữ cho không khí cuộc trò chuyện luôn thoải mái. Không phải lúc nào cũng là lúc đáp trả ăn thua bằng được. Căng thẳng chỉ dẫn đến kết quả giao tiếp thất bại mà thôi.
Chuyển hướng khéo léo: Nếu sếp hay lãnh đạo đang phàn nàn về bạn, hãy lắng nghe ý kiến của họ và có phần đồng cảm. Sau đó, dùng lời nói để chuyển hướng cách nhìn nhận vấn đề của họ, bày tỏ quan điểm của bản thân.
Phản bác tinh tế: Đối với những người hay tự ái thì việc xử lý tình huống đối với họ cần có sự tinh tế. Đầu tiên, hãy ghi nhận ý kiến của họ, sau đó, lựa thời điểm thích hợp để phân tích vấn đề và hậu quả cho họ hiểu. Điều này cần tới những người thật sự tinh tế và có mắt quan sát, kỹ năng xử lý tình huống hợp lý.
Sử dụng ngôn từ hài hước: Cách sử dụng ngôn từ hài hước sẽ làm tăng không khí vui vẻ, giảm sự căng thẳng cho cuộc trò chuyện của bạn. Từ đây, tình cảm và thái độ của đôi bên cũng được cải thiện rõ rệt. Một mối quan hệ tốt đẹp sẽ khởi nguồn cho những cơ hội mới sau này.
Xử lý tình huống trong giao tiếp không hề khó. Khó là ở chỗ bạn có đủ linh hoạt, khéo léo và quản lý tốt cảm xúc của bản thân trong cuộc giao tiếp hay không.
Tuy nhiên, trong môi trường làm việc hiện đại ngày càng mở rộng như hiện nay, chú trọng làm việc nhóm, huy động trí tuệ tập thể thì kỹ năng này là bắt buộc. Bạn không thể chối bỏ hay lười nhác rèn luyện.