Nội dung này nằm trong tờ trình về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, vừa được UBND Tp.HCM trình HĐND Tp.HCM xem xét.
Theo Đồ án quy hoạch, Về giao thông đối nội, thành phố đề xuất 5 tuyến đường trên cao kết nối trung tâm thành phố đi các cửa ngõ, gồm: 3 tuyến Bắc Nam phía Đông và phía Tây (trong đó có kết nối đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài về trung tâm thành phố và tuyến dọc theo Quốc lộ 13 từ Phạm Văn Đồng đến Vành đai 3); tuyến Đông Tây kết nối qua sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến dọc Vành đai 2.
Kéo dài đường Phạm Hùng về phía Nam để kết nối với nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Tp.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng.
Kéo dài đường Võ Văn Kiệt về phía Tây kết nối đường Lương Hòa - Bình Chánh (Long An) về đường Vành đai 4 và kết nối Đức Hòa (Long An)
Đáng chú ý, Tp.HCM bổ sung tuyến đường ven sông kết nối từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ (quy hoạch mới) với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (đoạn từ trung tâm Tp.HCM đi Củ Chi).
Trước đó, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý lần ba về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, Tp.HCM cũng đã đề xuất nội dung này.
Theo đó, thành phố được tổ chức theo 5 vùng đô thị, với các trung tâm chính ở khu vực trung tâm Tp.HCM (vùng Sài Gòn, Chợ Lớn); Trường Thọ-Rạch Chiếc, Phú Mỹ Hưng (mở rộng), Tân Kiên, khu vực Đông Bắc Hóc Môn-Tây Nam Củ Chi.
Đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá là không gian kinh tế chủ đạo của thành phố với những dải đô thị dọc hai bên bờ sông.
Trong đó, phát triển các tuyến buýt đường thủy, kết nối giao thông công cộng đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo dọc theo sông Sài Gòn và các tuyến rạch chính.
Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng đề xuất bố trí trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, trung tâm công nghệ cao, nhà hàng khách sạn và hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp nhất… dọc theo bờ sông.
Trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Tp.HCM cũng đề xuất một mạng lưới đường sắt đô thị (metro) mang tính chất tổng thể, dài hạn cho tầm nhìn đến năm 2060 với tổng chiều dài khoảng 520km (35 km/triệu dân).
Mạng lưới metro này gồm 8 tuyến metro xuyên tâm, 2 tuyến Metro vành đai và 1 tuyến đường sắt nhẹ ven sông Sài Gòn. Bổ sung 3 depot metro gồm Bình Triệu, Long Trường và An Hạ bên cạnh 7 depot đã được quy hoạch.
Trong thời hạn quy hoạch của đồ án (năm 2040), dự kiến quy hoạch ưu tiên, tập trung hoàn thành mạng lưới metro đồng bộ với tổng chiều dài khoảng 260km (tổng chiều dài đi ngầm của các tuyến trong giai đoạn này khoảng 100km).
Đồng thời, đề xuất bổ sung 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT), gồm: tuyến nối Củ Chi; tuyến nối Cần Giờ; tuyến vòng cung Tây Bắc. Đồng thời, đề xuất bỏ 6 tuyến BRT theo quy hoạch trước đây...
Về giao thông đối ngoại, kéo dài trục động lực phía Nam là đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang. Kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) đến cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn qua Đồng Nai) thông qua đường vào cảng Phước An để hỗ trợ cho các cụm cảng biển dự kiến tại Cần Giờ và định hình hành lang kinh tế ven biển mới.
Kết nối với sân bay Long Thành từ Quận 7 qua cầu Phú Mỹ 2. Kết nối với Đồng Nai (ĐT777) đến Quốc lộ 20 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Ngoài ra, thành phố đề xuất kết nối, khép kín các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn TPHCM, như: kết nối đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ với Tp.HCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh; bổ sung ga hành khách tại Phú Mỹ Hưng; trong tương lai đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị; kết nối đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ với đường sắt Tp.HCM - Tây Ninh tại ga Tân Chánh Hiệp.