Khu vực cống M1 khu công nghiệp Tân Bình, một phần dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đang được thi công. Ảnh: THU HỒNG
Để bảo đảm tiến độ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố kiến nghị Sở Tài chính hoàn thành thủ tục nhập Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách - kho bạc) cho dự án trước ngày 15-6. Việc này để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố thực hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn cho các đơn vị thực hiện những bước tiếp theo cũng như bảo đảm tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn cho dự án.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tập trung bảo đảm tiến độ.
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Bùi Xuân Cường cho rằng trước đây khi dự án đầu tư được phê duyệt mới có ranh pháp lý dự án. Với dự án này linh hoạt hơn, do đó, UBND quận Bình Thạnh và Gò Vấp cần chủ động rà soát, bố trí tái định cư cho người dân và bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Sau năm 2028, diện mạo mới của rạch Xuyên Tâm được kỳ vọng mang nhiều lợi ích không chỉ về mỹ quan đô thị. Ảnh: THU HỒNG
Kết luận tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cho hay thời gian phê duyệt dự án dự kiến trong tháng 9-2023. Do đó, hồ sơ pháp lý dự án hiện chưa hoàn thiện và có ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với UBND 2 quận sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án theo quy định.
Về công tác bố trí tái định cư, để thuận lợi trong quá trình lập phương án di dời, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP HCM quan tâm tập trung chỉ đạo các sở ngành liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình hoàn thành dự án nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
Nhắc lại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố cần chủ động, tích cực phối hợp với 2 địa phương để hoàn thành công tác lập, trình duyệt dự án và sớm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Giám sát 38 dự án trọng điểm
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy phân công các thành viên Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác. Các tổ sẽ giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án trọng điểm của thành phố. Qua đó, kịp thời ghi nhận các vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo danh sách phân công, có 13 tổ công tác thực hiện giám sát 38 dự án. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Tổ trưởng Tổ giám sát các dự án metro số 1, chống ngập 10.000 tỉ đồng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cho hay việc lập 13 tổ công tác để giám sát là dựa trên tinh thần "Việc nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cần uốn nắn thì uốn nắn, cần tăng cường thì tăng cường, cần xử lý thì xử lý".
Những lợi ích nhìn thấy
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khởi công ngày 24-2-2023. Theo đó, xây dựng tuyến bờ kè dài 63,11 km, nạo vét tuyến kênh dài 31,46 km, xây dựng đường giao thông 2 bờ kênh và 12 bến thuyền cùng hệ thống đèn chiếu sáng, cải tạo cảnh quan dọc tuyến... Tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và TP HCM.
Dự án đi qua 7 quận, huyện gồm quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực 14.900 ha, giải quyết ô nhiễm, chỉnh trang đô thị, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc - Nam, góp phần phát triển giao thông thủy...
Với dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, quy mô đầu tư hơn 8,8 km, sau cải tạo, lòng rạch có bề rộng 20-30 m, đường giao thông ven rạch 2 làn xe mỗi bên. Phần công viên/mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11 ha. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2028.