Chủ động thời gian kiểm tra học kỳ 2
Mới đây, tại Hội nghị chuyên môn THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, do năm học 2021-2022 chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Sở sẽ trao quyền chủ động về thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ 2 năm học này cho các trường THPT.
Các trường THPT phải thông tin rộng rãi trên website để phụ huynh, học sinh dễ dàng tiếp cận, có hướng chọn lựa trường học trong tuyển sinh lớp 10 phù hợp và đảm bảo kết thúc kỳ thi học kỳ 2 trước ngày 15/5/2022.Song song với đó, các trường cũng cần có phương án bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh khối 12 để các em có đủ kiến thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, để thực hiện một cách hiệu quả nhất Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10 bậc THPT trong năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, đồng thuận của phụ huynh, học sinh.
Do đó, lãnh đạo Sở yêu cầu, các trường THPT ngoài việc thông tin cụ thể, rõ ràng về tuyển sinh lớp 10 đến phụ huynh, học sinh, các trường cần có những buổi làm việc, trao đổi, tư vấn để phụ huynh, học sinh hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018 cũng như những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa mới.
"Những buổi trao đổi, tư vấn đó sẽ kết nối phụ huynh và nhà trường. Trên cơ sở đó, có sự chia sẻ, thấu hiểu rằng với năng lực, cơ sở vật chất, nhân sự, nhà trường sẽ tổ chức được những tổ hợp bộ môn nào, các bộ môn lựa chọn nào.
Chia sẻ ở đây là phụ huynh tham gia vào trong việc lựa chọn một cách phù hợp nhất. Nếu trong trường hợp phụ huynh học sinh lựa chọn, nhưng nhà trường không tổ chức lớp được thì phụ huynh cũng có sự chia sẻ, lựa chọn khác để phù hợp với tình hình chung tổ chức của nhà trường", ông Quốc phát biểu.
Đổi mới trong tuyển sinh lớp 10
Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có thông báo về những đổi mới trong vấn đề tuyển sinh lớp 10. Theo đó, năm nay, tất cả học sinh lớp 9 trên địa bàn TPHCM khi đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường sẽ thực hiện bằng hình thức trực tuyến (chứ không tổ chức trực tiếp trên phiếu như mọi năm).
Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ áp dụng công nghệ bản đồ số GIS, khi thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường THPT nào thì phần mềm sẽ thông báo khoảng cách nhà ở của thí sinh đến trường THPT mà thí sinh đăng ký.
"Ứng dụng này sẽ giúp các em học sinh không chọn trường THPT quá xa nơi ở, đến khi trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì lại khó theo học vì di chuyển quá vất vả và mất thời gian", một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TPHCM cho hay.
Bên cạnh đó, năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên các trường triển khai giảng dạy chương trình lớp 10 mới. Vì vậy, các trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ công khai tất cả những thông tin về việc triển khai này, bao gồm cách thức tổ chức dạy học và việc tổ chức giảng dạy các môn tự chọn. Đây sẽ là cơ sở để thí sinh cân nhắc và lựa chọn nguyện vọng vào lớp 10.
Được biết, chương trình THPT mới chỉ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn học khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật).