Còn theo ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT TPHCM), Sở sẽ thống kê và phân tích chi tiết lại toàn bộ dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10 trong ba năm gần nhất trên toàn TP theo quận, huyện và các trường trung học cơ sở.
Đồng thời kết hợp với dữ liệu địa chỉ nhà, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh qua hai năm thí điểm áp dụng bản đồ GIS, nhằm đưa ra các đánh giá về công tác đăng ký nguyện vọng và kết quả tuyển sinh của từng trường THCS.
Trên cơ sở đánh giá, Sở sẽ phối hợp với các phòng GD&ĐT tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình tư vấn, hướng dẫn của một số trường THCS có tỉ lệ cao thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ.
Thứ hai, thay đổi và bổ sung tiêu chí đánh giá thi đua về việc đánh giá kết quả tuyển sinh vào lớp 10. “Chúng ta không đánh giá dựa trên số liệu học sinh đậu vào trường công lập mà dựa trên số lượng học sinh nộp hồ sơ vào trường trúng tuyển. Mục tiêu tránh tình trạng một số đơn vị chạy theo thành tích và hướng dẫn học sinh đăng ký vào các trường ở xa nhà”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho biết thêm, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với phòng Kế hoạch Tài chính trong việc rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh ở các đơn vị, đảm bảo đủ 70% học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào các trường THPT công lập theo đúng quy định phân luồng của Bộ GD&ĐT.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm vừa rồi, Sở GD&ĐT hiện đang xây dựng các phương án tuyển sinh thay đổi toàn bộ quy trình xét nguyện vọng vào lớp 10 ở các trường THPT công lập.
Phương án này sẽ trình lấy ý kiến của lãnh đạo Sở, phòng ban trong tháng 12/2023. Cụ thể, các phương án tuyển sinh làm thay đổi toàn bộ quy trình xét nguyện vọng vào lớp 10 đang được xây dựng trên cơ sở phấn đấu đảm bảo đạt được các mục tiêu gồm: Rút ngắn thời gian công bố kết quả; hỗ trợ học sinh tăng tỉ lệ khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký; từng bước giảm dần số lượng học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ qua từng năm.