Số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn. Ngoài công việc giảng dạy chính khóa, giáo viên còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia; hỗ trợ công tác Đoàn-ĐộI, các phong trào, hội thi… Giáo viên phải thực hiện kế hoạch, báo cáo, các hồ sơ sổ sách, liên hệ, trao đổi phụ huynh về tình hình học tập của học sinh.
Đối với các giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, mỗi giáo viên nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần. Giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy, do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo. Cá biệt, theo báo cáo này, có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học).
Báo cáo cũng nêu rõ, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ở cấp tiểu học, hoạt động dạy buổi 2 trở thành hoạt động bắt buộc và không được thu phí. Giáo viên các khối lớp thực hiện theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 dần dần không có được thu nhập từ dạy buổi 2.
Cũng trong sáng nay, các thầy cô, đại diện các phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức và đại diện các trường tiểu học tại TPHCM cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về các chính sách đối với giáo viên tiểu học.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua TP thiếu giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc. Các trường tiểu học, các phòng GD&ĐT phải xoay xở bằng cách mời giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng. Việc tổ chức các buổi họp lắng nghe các ý kiến, xây dựng dự thảo đề án thu hút giáo viên tiểu học rất quan trọng.
Cũng theo ông Nam, ngành GD&ĐT TPHCM phát triển không ngừng, đóng góp nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế… Tuy nhiên cũng có thực tế việc tuyển dụng và giữ chân đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hoạt động giáo dục cấp tiểu học gặp nhiều khó khăn, do không tuyển dụng được nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoặc đã tuyển dụng xong nhưng nghỉ việc do thu nhập khởi điểm còn thấp.
“Chính vì vậy, việc xây dựng đề án chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học, nhằm thu hút giáo viên cấp học này tại TPHCM là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Nam nhấn mạnh.
“Cần phải có chính sách cho giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ giáo viên. Trong đó quan trọng nhất vẫn là chính sách hỗ trợ về tài chính. Theo thống kê thu nhập bình quân ở TPHCM là hơn 6 triệu một người/ tháng, trong khi đó giáo viên hợp đồng hơn 3 triệu 300 ngàn đồng, thấp hơn mức chi tiêu bình quân của TP là 3 triệu 9”, ông Nam chia sẻ.