“Nếu không thấy được mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức của từng bài, từng chương thì giờ học lịch sử thật sự chỉ là những sự kiện hết sức khô cứng” – thầy Thụ thẳng thắn nói.
Dạy từ những điều ngoài sách vở
Cũng theo thầy Thụ, giáo viên cần cụ thể hóa các đơn vị kiến thức trong bài học bằng những sơ đồ hoặc khái quát dưới dạng các công thức, giúp học sinh dễ học, dễ nhớ. Với sơ đồ, học sinh dễ dàng trong việc xác định được những nội dung cơ bản của bài học và thấy được mối liên hệ tác động qua lại giữa các đơn vị kiến thức có trong sơ đồ.
Đồng thời các sơ đồ giúp cho tư duy học sinh, tránh được sự nhàm chán của các con số, các sự kiện ngày tháng…. Như vậy, việc truyền tải thông tin đến học sinh được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong quá trình công tác, giáo viên cần cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức từ sách, báo, những tư liệu từ cuộc sống để gờ học thêm sinh động. Nếu giờ học chỉ có những kiến thức trong sách giáo khoa sẽ làm cho học sinh dễ nhàm chán.
Những câu chuyện cuộc sống, những điều ngoài sách vở mà các em chưa biết mới là yếu tố li kì, thu hút sự quan tâm và chú ý của học sinh. “Chẳng hạn, những câu chuyện về tù chính trị ở Côn Đảo, những hành động tra tấn dã man của những viên cai ngục khét tiếng Bảy Nhu ở nhà giam Phú Quốc hay những mẩu chuyện trong chiến tranh thế giới thứ hai sẽ làm cho bài học lịch sử thêm sức hấp dẫn đối với học sinh” – thầy Thụ trao đổi.
Nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức dạy học, người thầy cần giữ nhịp được giờ học, thầy Thụ chia sẻ: Có thể người thầy được phép “phiêu” một chút nhưng cần chú ý đến sự phân bố thời gian; chú ý đến cách đặt câu hỏi; cách vào bài để gây ấn tượng ban đầu đối với học sinh….
“Đôi khi trong quá trình dạy học, giáo viên hay mắc “bệnh” nói nhiều, nếu bắt học sinh nghe với âm lượng đều đều, sẽ làm cho các em rơi vào trạng thái được ru ngủ, các em thiếu sự quan tâm vào bài học…
Vì vậy, giáo viên cần định hướng suy nghĩ của học sinh quay trở lại bài học bằng những câu chuyện vui, hài hước hay những câu slogan ngắn gọn trong cuộc sống” – thầy Thụ cho hay.