“Hơn nữa, một chiếc máy vài triệu đồng không thể so với chiếc máy trị giá hàng tiền tỷ của lực lượng chức năng được. Nếu mua về để tự đo nồng độ cồn nhằm tham khảo, tự nhắc nhở, kỷ luật bản thân thì còn được. Còn nếu muốn mua về để làm chuẩn và đối chiếu với máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT thì tôi nói luôn là đừng mua", nhân viên này nói.
Nói về công dụng của máy đo nồng độ cồn tại nhà, một người chuyên bán tên Nguyễn T., (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Loại máy này dùng đúng cách nhất là nếu hôm trước bạn đi uống bia, rượu, hôm sau cần lái xe mà còn nghi ngại không biết trong hơi thở có còn nồng độ cồn không thì thổi vào máy. Nếu còn, máy sẽ lên chỉ số, còn nếu hết rồi thì thôi".
Tuy nhiên, khi được hỏi về độ chính xác của những loại máy này thì anh T. cũng chỉ nhận xét là "tương đối thôi".
“Bạn nên cân nhắc và không nên mua loại máy đo thổi nồng độ cồn với giá rẻ, đặc biệt những loại chỉ hơn 100.000 đồng. Đây là những loại máy có chất lượng kém, không đáng tin. Thậm chí một số máy còn không hề có cảm biến mà vẫn đo nồng độ cồn qua hơi thở như thật", anh T. khuyến cáo.
Mới đây, nhằm ngăn chặn hiện tượng mua bán máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn và phát hiện nhiều sản phẩm máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo, hầu hết các máy đo nồng độ cồn bán tràn lan trên mạng hiện nay không được kiểm định và chứng nhận chất lượng bởi bất kỳ tổ chức nào. Do đó không có tác dụng pháp lý trong việc đo nồng độ cồn của người sử dụng.