Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả có công trình, sáng kiến đoạt giải của Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021 và gửi lời chúc các trí thức trẻ sẽ có thật nhiều sáng tạo hữu ích đóng góp vào sự phát triển không chỉ của ngành Giáo dục nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với ngành Giáo dục mà đối với cả xã hội. Đây cũng là minh chứng góp phần khẳng định công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Từ hiệu ứng của Chương trình này, Bộ GD&ĐT đề nghị Trung ương Đoàn tiếp tục đồng hành trong quá trình sử dụng, ứng dụng các đề tài trong thực tiễn dạy và học tại các nhà trường và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu kết nối với các đơn vị liên quan để những công trình, sáng kiến tốt, có tính khả thi cao được áp dụng vào thực tế, lan tỏa sâu rộng.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tổ chức thêm nhiều sân chơi, hoạt động sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là hoạt động tạo môi trường cho giáo viên, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên phát huy đam mê, sáng tạo, đóng góp vào công cuộc đổi mới GD-ĐT.
Danh sách 11 công trình vào chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2021”:
1. Nền tảng giao lưu tri thức trực tuyến: IMIN Olympia Training (IOT). Nhóm tác giả: Nguyễn Công Minh, Trần Nhân Kiệt, Đỗ Thị Thanh Trúc, Đậu Huy Minh, Nguyễn Thanh Tuấn Ba Lan (Cần Thơ và TPHCM).
2. Hỗ trợ học sinh tự học ở nhà bằng nền tảng công nghệ giáo dục Selfomy. Nhóm tác giả: Bùi Lê Chí Bảo, Lê Thị Nga, Lê Thị Ngọc Duyên (TPHCM).
3. Meta STEM - Sáng kiến nền tảng dạy học STEM qua thí nghiệm mô phỏng. Nhóm tác giả: Võ Nguyễn Đình Trí, Trần Anh Quân, Nguyễn Quang Đức, Hoàng Trọng Gia Huy (Đà Nẵng).
4. Hệ thống hỗ trợ dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh – ICORRECT. Tác giả: Nguyễn Minh Đức (Hà Nội)
5. Công cụ hỗ trợ học tập 3 trong 1 (App học Tiếng Anh, Tiếng Việt cơ bản, Toán tư duy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12). Nhóm tác giả: Hà Thị Hoa, Huỳnh Hải Lưu (Hòa Bình).
6. Cùng học - nền tảng học tập trực tuyến cho giáo viên Việt Nam. Nhóm tác giả: Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Huỳnh Anh, Phạm Minh Anh, Đào Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh (Hà Nội).
7. VIMA - Ứng dụng đạo đức tương tác ảo dành cho học sinh Tiểu học. Nhóm tác giả: Đinh Thị Giàu, Lữ Xuân Minh (Bà Rịa – Vũng Tàu).
8. Hệ thống thi trực tuyến EduExam kết hợp giám sát và chống gian lận bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhóm tác giả: Hoàng Mậu Trung, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Văn Nam (Hà Nội).
9. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ thí nghiệm quang học đa năng sử dụng trong dạy học vật lí, phục vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhóm tác giả: Phạm Tuấn Long, Lộ Thị Phương, Phạm Thị Huyền, Nguyễn Việt Hưng (Thái Bình).
10. Mắt kính thông minh cho người khiếm thị. Nhóm tác giả: Phạm Huy, Đào Anh Hào, Trịnh Quốc Huy (TPHCM).
11. Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị. Nhóm tác giả: Trịnh Thu Thanh, Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội).