"Để đề phòng ngạt khói khí độc khi hỏa hoạn, các em cần lựa chọn lối thoát nạn an toàn như cầu thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy. Lúc này, khu vực xảy ra cháy sẽ có hiện tượng đối lưu, khói khí độc nổi lên trên, không khí sạch ở phía dưới. Vì vậy, các em phải di chuyển thấp người và đeo thiết bị chống độc như khẩu trang, quần áo, vải sạch thấm nước để bảo vệ cơ quan hô hấp. Sau đó men theo tường để tìm lối thoát nạn ra ngoài" - Đại úy Dũng chia sẻ thêm.
Học sinh được thực hành kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy trong không gian giả định có nhiều khói khí độc. |
Đỗ Thị Huyền, học sinh lớp 12A7 cảm nhận rất rõ ý nghĩa của buổi tuyên truyền ngày hôm nay. Em đã tự biết cách thực hiện các thao tác khi sử dụng từng dạng bình chữa cháy dạng bột hay dạng khí để đảm bảo an toàn cho chính mình. "Ngoài ra, việc được thực hành thoát nạn trong bối cảnh giả định phòng học bị cháy và bốc khói, chúng em phải di chuyển thấp người rồi men theo tường để tìm lối ra an toàn khiến em rất tâm đắc", Huyền vui vẻ nói.
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Hoài Đức, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do sự cố về nguồn điện, nguồn nhiệt. Tại trường học, nguồn nhiệt có thể xuất phát từ việc sử dụng lửa tại phòng thí nghiệm, bếp ăn; nguồn điện chạy các thiết bị làm mát như điều hòa vào mùa nắng nóng bị quá tải... Các nhà trường, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.