Trạng nguyên được vua vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng

26/03/2024, 07:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông là một trong những vị trạng nguyên nổi bật nhất của sử Việt. Khi ông về chịu tang mẹ, vua còn cho người đến vẽ chân dung ông để đặt cạnh ngai vàng.

Trong thời gian làm quan, Nguyễn Trực từng cùng bảng nhãn Trịnh Thiết Trường được vua cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Sách Lịch triều hiến chương loại chí kể về giai thoại, khi tới nơi, thấy vua Minh đang mở kỳ thi tuyển chọn người tài, hai ông đã vào thi.

Kết quả Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn, được vua Minh ban cho áo cẩm bào, phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Trở về nước, Nguyễn Trực được vua thăng làm Thượng thư và ban cho tám chữ vàng “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã” (hoàn thành công danh ở cả hai nước).

Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, Nguyễn Trực tiếp tục được vua tin dùng. Ngay năm đầu tiên chấp chính, Lê Thánh Tông đã bổ nhiệm ông làm Tuyên phụng đại phu, Trung thư lệnh, Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.

Đảm nhận chức vụ đào tạo nhân tài cho đất nước, Nguyễn Trực đã biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy cho nho sĩ đương thời, góp phần củng cố, phát triển nền giáo dục nước nhà, bản thân ông được nhân dân coi trọng, tôn làm bậc nho sư.

Với tài năng vượt bậc, những ý kiến của Nguyễn Trực thường rất được vua coi trọng. Trong quá trình soạn bộ sách “Thiên nam dư hạ tập”, mỗi khi xong tập nào, Lê Thánh Tông lại cho người mang tới để Nguyễn Trực đọc, cho ý kiến bình phẩm.

Được vua tin dùng là thế nhưng Nguyễn Trực nhiều lần xin cáo lão về quê. Năm Hồng Đức thứ 4 (1474), trạng nguyên Nguyễn Trực qua đời, thọ 57 tuổi. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều giai thoại đẹp đẽ, trở thành vị trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê.

Văn chương nổi tiếng đương thời nên khi Nguyễn Trực về quê chịu tang mẹ, học trò trong vùng đã lũ lượt kéo tới nhà, khoản xin ông dạy học, nhiều học trò Nguyễn Trực đã đỗ đạt cao. Có giai thoại cho biết, trong thời gian này, vua Lê Nhân Tông đã cho người về quê vẽ lại hình quan trạng để bên cạnh ngai vàng, để vơi bớt nỗi nhớ ông. Đánh giá về Nguyễn Trực, danh sĩ Thân Nhân Trung từng viết: “Khai quốc trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một thời”. Triều vua nào cũng được yêu chuộng, giữ việc văn hành, ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trang-nguyen-duoc-vua-ve-chan-dung-dat-canh-ngai-vang-post676642.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trang-nguyen-duoc-vua-ve-chan-dung-dat-canh-ngai-vang-post676642.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trạng nguyên được vua vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng