Cũng theo chị Phương, phụ huynh cần có sự tin tưởng vào cách dạy của các thầy cô. Chỉ có như vậy thì trẻ mới tự tin, tự lập và thoải mái tương tác với giáo viên trong lớp học. Ở trường, đó là thế giới riêng tư của con và bạn bè, thầy cô. Việc thích lắp camera giống như sự giám sát không cần thiết, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, theo biên chế, ở trường công lập ít giáo viên.
“Chúng tôi lo ngại sẽ không đủ nhân sự để quản lý các em. Nên mặc dù tôn trọng quyền riêng tư của giáo viên và học sinh nhưng buộc phải lắp camera trong lớp”, cô Hằng nói.
Theo cô Hằng, phụ huynh có thể không hiểu hết về quá trình thực hiện các nghiệp vụ giáo dục hay kĩ năng nghiệp vụ của giáo viên. Nếu bất cứ phụ huynh nào cũng giám sát, theo dõi quá trình giảng dạy của các thầy cô mà đánh giá thì sẽ dễ gây hiểu lầm, xung đột không đáng có.
Lắp camera vô hình chung khiến lớp học luôn bị "theo dõi". Điều này ảnh hưởng tới việc giảng dạy của giáo viên.
“Vì vậy, dù có lắp camera trong lớp nhưng chúng tôi sẽ không cấp quyền truy cập cho phụ huynh. Đây là công tác quản lý nội bộ để kiểm tra chất lượng của giáo viên và can thiệp vào các con khi thực sự cần thiết”, cô Hằng nhấn mạnh.
Theo cô Hằng, việc sử dụng camera giám sát cũng cần có quy định cụ thể để ngăn chặn hành vi lợi dụng gây rối, theo dõi hoạt động của giáo viên, nhà trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học cũng như quản lý của mỗi cơ sở giáo dục.