Chính sách miễn học phí được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng tài chính cho người dân, thúc đẩy phổ cập giáo dục và bảo đảm công bằng trong tiếp cận tri thức; tuy nhiên, rất cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ, minh bạch và nhất quán để chính sách nhân văn này mang lại hiệu quả thực chất.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự thảo nghị quyết quan trọng liên quan đến giáo dục và đất nông nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tính cấp thiết, nhân văn và tầm chiến lược của các dự thảo, đặc biệt chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Tại Tổ 11 (gồm các đoàn Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long), đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) đánh giá hai dự thảo nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và phổ cập giáo dục mầm non lần này tiếp tục khẳng định rõ cam kết của Nhà nước đối với quyền học tập của công dân, nhất là trẻ em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.
"Chính sách này thể hiện nguyên lý giáo dục của nước ta: Giáo dục vì con người, phục vụ nhân dân. Đồng thời góp phần hiện thực hóa công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục", đại biểu Bình nói.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động, việc miễn, hỗ trợ học phí là một giải pháp kịp thời và thiết thực giúp hàng triệu gia đình ổn định đời sống, yên tâm cho con em đến trường. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa ở các cấp học dễ bị bỏ học cao như trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục mầm non, việc miễn học phí sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp và duy trì sĩ số học sinh, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị.
Chính sách này cũng góp phần tạo dựng niềm tin xã hội vào hệ thống giáo dục, thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và tăng cường sự gắn kết giữa người dân với hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng tình với chính sách phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho rằng đây là chủ trương lớn, có tác động trực tiếp đến các chính sách giáo dục địa phương, nhất là trong điều kiện xây dựng chính quyền hai cấp hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu An cũng chỉ ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Bà dẫn chứng Long An hiện mới đạt 63,51% tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp, tỷ lệ này ở cả nước là 86,3%. Địa phương này còn thiếu gần 190 giáo viên mầm non, trong khi trường lớp phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Việc xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là phát triển hệ thống trường mầm non tư thục vẫn gặp nhiều rào cản về chất lượng và chính sách...
"Các cơ sở tư thục phát triển mạnh mẽ nhưng chưa thực sự được khuyến khích về mặt chính sách. Bộ GD&ĐT cần có cơ chế rõ ràng, căn cơ để hỗ trợ và nâng cao chất lượng giáo dục tư thục, góp phần giảm tải cho khối công lập, tiết kiệm ngân sách nhà nước và đa dạng hóa loại hình giáo dục", đại biểu An đề xuất.
Bà cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc thời điểm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tiễn khi cả hệ thống chính trị đang tập trung cho xây dựng chính quyền hai cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, nên áp dụng các phương án linh hoạt, đó là: Tập trung phổ cập ở vùng khó khăn, đẩy mạnh xã hội hóa ở vùng thuận lợi để tối ưu hóa nguồn lực.
Chính sách cần đi vào thực chất
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) đánh giá cao nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí, cho rằng đây là quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, cấp thiết và mang tính chiến lược.
Bà nhận định: "Điều này không chỉ hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới phổ cập giáo dục toàn diện, bình đẳng và chất lượng cao – đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra".
Dự thảo nghị quyết thể hiện tư duy chính sách đổi mới, nhân văn và bao trùm với ba điểm nổi bật. Thứ nhất, nguyên tắc không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì lý do tài chính – đây là tinh thần rất phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể và động lực của phát triển.
Thứ hai, mở rộng phạm vi thụ hưởng đến toàn bộ người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân – cả công lập và ngoài công lập, giúp tạo công bằng giữa các vùng miền và nhóm yếu thế.
Thứ ba, có cơ chế cấp bù ngân sách cho các cơ sở giáo dục, thể hiện tính khả thi và bền vững của chính sách.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để chính sách của Nghị quyết bao phủ các đối tượng thụ hưởng đặc thù, nhất là đối tượng trẻ em mầm non từ 3 đến 4 tuổi ở vùng khó khăn, vì đây là giai đoạn vàng của phát triển trí tuệ và nhân cách; gắn với xem xét thực hiện đồng bộ các chính sách giáo dục cho học sinh học tại các cơ sở ngoài công lập thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật – nhằm đảm bảo bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, tránh phân biệt theo loại hình trường; dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, con hộ nghèo thành thị không thuộc diện "vùng khó", nhưng có nhu cầu cấp thiết.
Bà cũng lưu ý miễn học phí không đồng nghĩa với học sinh không phải trả chi phí học tập khác như đồng phục, kỹ năng mềm, bán trú… Nếu không kiểm soát tốt các khoản thu ngoài học phí, chính sách sẽ mất hiệu lực thực chất. Do đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát, minh bạch và có sự giám sát của phụ huynh, Hội đồng nhân dân các cấp, tránh tình trạng "miễn học phí nhưng tăng thu khác". Nếu không kiểm soát, chính sách miễn học phí có thể bị "loãng" về hiệu quả.
Bên cạnh đó, có thể xem xét gói hỗ trợ toàn diện bao gồm học phí và một phần chi phí học tập như sách giáo khoa, thiết bị học tập thiết yếu đối với học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn.
Về cơ chế thực hiện, đại biểu Minh Trang nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm giữa ngân sách trung ương và địa phương để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không có nguồn lực đầy đủ.
Bà cũng đề nghị ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng thụ hưởng, kết nối liên thông với hệ thống dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội để đảm bảo hỗ trợ đúng – đủ – kịp thời. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhóm khó xác định nơi cư trú như con công nhân di cư.
Ngoài ra, miễn học phí phải song hành với nâng cao chất lượng giáo dục, tăng đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ giáo viên vùng sâu vùng xa. Nếu trường lớp xuống cấp, giáo viên thiếu, thì miễn học phí cũng không mang lại giá trị thực sự cho người học...