Triển khai Chương trình mới lắm thách thức, nhiều khó khăn

04/06/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế đòi hỏi cần tăng cường nguồn lực để lộ trình triển khai Chương trình mới đạt hiệu quả như kỳ vọng...

Triển khai Chương trình mới lắm thách thức, nhiều khó khăn ảnh 1

Lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, HG). Ảnh: NTCC

Tăng cường đầu tư nguồn lực

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh kiến nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, nhằm tạo điều kiện để các em học tập, các trường duy trì sĩ số học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nữ đại biểu đoàn Bình Thuận cũng đề xuất, Chính phủ có phương án bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu so với định mức. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ để giao biên chế giáo viên, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT theo lộ trình. Cùng đó, xem xét, sửa đổi tăng định mức giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, THCS, THPT cho phù hợp. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung quy định chuẩn về diện tích phòng học và định mức học sinh/lớp phù hợp với từng cấp học, vùng miền vì quy định cũ không còn phù hợp.

Từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, trước mắt để đáp ứng đủ giáo viên thì cho phép địa phương tuyển dụng giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh dạy cấp tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn như giai đoạn trước. Địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2030 đội ngũ này bảo đảm chuẩn theo quy định hiện hành.

Đại biểu đoàn Yên Bái cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, bảo đảm điều kiện, nguồn lực để các trường thực hiện chương trình.

“Bộ GD&ĐT cũng cần rà soát, bổ sung đủ các quy định, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai với mục tiêu hiệu quả, dễ thực hiện”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề xuất.

Ghi nhận nỗ lực lớn của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) nhấn mạnh, Bộ đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đại biểu cũng chia sẻ những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục nói chung gặp phải và khó có thể một mình giải quyết được; bởi đổi mới giáo dục mà người và tiền đều không chủ động được thì khó có thể làm tốt.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-chuong-trinh-moi-lam-thach-thuc-nhieu-kho-khan-post641445.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-chuong-trinh-moi-lam-thach-thuc-nhieu-kho-khan-post641445.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Chương trình mới lắm thách thức, nhiều khó khăn