Do tính phân loại cao, đề minh họa đòi hỏi học sinh phải hiểu và vận dụng kiến thức. Do đó cô Vũ Thị Cúc lưu ý, giáo viên ngoài chuẩn bị bài giảng chu đáo (xác định rõ mục tiêu dạy học, sử dụng phương pháp dạy học tích cực), còn khâu rất quan trọng là cần thấy được những khó khăn, vướng mắc của học sinh trong quá trình học tập bộ môn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Muốn vậy, thầy cô cần lắng nghe, động viên học sinh đưa ra những vấn đề khó, chưa hiểu, những băn khoăn, thắc mắc của các em trong quá trình học tập. Đây là một khâu rất quan trọng để học sinh hiểu sâu bài học.
Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng chú ý tăng cường hoạt động luyện tập, củng cố lại bài học thông các dạng câu hỏi trắc nghiệm chọn 1 đáp án đúng; trắc nghiệm đúng/sai; trắc nghiệm trả lời ngắn. Mục đích giúp các em làm quen với các dạng câu hỏi trong đề thi và được rèn luyện kĩ năng phản xạ, tư duy với các dạng câu hỏi khác nhau.
Tiết kiểm tra, giáo viên cần bám sát cấu trúc của đề thi minh họa để xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi giúp học sinh làm quen với đề thi.
Trong quá trình ôn tập kiến thức cho học sinh, giáo viên dựa vào yêu cầu cần đạt của nội dung bài học để biên soạn được các câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn 1 đáp án đúng, trắc nghiệm đúng/sai, câu hỏi trả lời ngắn để học sinh ôn tập. Điều này giúp học sinh ôn tập kiến thức vừa giúp rèn luyện kĩ năng làm bài.
“Điều quan trọng nhất là giáo viên cần bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 đối với môn học của mình khi dạy học, ôn tập”, cô Vũ Thị Cúc nhấn mạnh thêm.