Quy định mới về dạy học thêm đặt ra yêu cầu “cô dạy ít, trò học nhiều” thay vì “cô dạy nhiều để trò học ít” như thói quen của không ít thầy trò hiện nay.
Đây chính là điều thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đổi mới cách dạy và học của giáo viên, học sinh.
Cô Đinh Thị Bích Liên - Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, thói quen phải đi học thêm mới yên tâm, phản ánh thực trạng đáng lo ngại trong giáo dục: Cô dạy nhiều để trò học ít. Khi giáo viên truyền đạt quá nhiều trên lớp nhưng học sinh không chủ động tiếp thu mà phụ thuộc vào học thêm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, hệ quả tiêu cực.
Theo đó, học sinh sẽ liên tục trong tình trạng quá tải, mất cân bằng vì lịch học dày đặc khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tham gia hoạt động ngoại khóa và phát triển kỹ năng mềm. Học sinh học thụ động, thiếu tư duy tự học, hình thành thói quen trông chờ, ỷ lại giáo viên; dẫn đến thiếu động lực, không tự biết khám phá, phân tích, tư duy phản biện và tự tìm tòi kiến thức. Chưa kể, lạm dụng dạy - học thêm còn đặt lên vai phụ huynh gánh nặng kinh tế, đặc biệt đối với các gia đình điều kiện khó khăn. Một số giáo viên giảm chất lượng giảng dạy trên lớp để “ép” học sinh đi học thêm, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh những thầy cô chân chính.
“Quy định mới về dạy thêm, học thêm đặt ra yêu cầu phải đổi mới, “cô dạy ít, trò học nhiều”, không phải “cô dạy nhiều để trò học ít” như đang tồn tại hiện nay”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.
Cùng quan điểm, cô Đinh Thái Hà - Trường THPT Mường Chiềng (Hòa Bình) nhìn nhận: Triển khai Chương trình GDPT 2018, mục tiêu là phát triển năng lực, phẩm chất học sinh chứ không chỉ truyền đạt kiến thức đơn thuần. Thực trạng “cô dạy nhiều để trò học ít” khiến việc học trở nên cứng nhắc, học sinh thiếu chủ động trong tìm kiếm kiến thức, cản trở sự phát triển toàn diện. Nếu giáo viên dạy quá nhiều kiến thức, học sinh có thể không còn thời gian để tự học, tự tìm tòi, thậm chí không hiểu sâu vấn đề. Điều này dẫn đến hệ quả “học vẹt”, tiếp thu thông tin máy móc, dựa dẫm vào thầy cô mà không phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề.
Để thay đổi, theo cô Đinh Thái Hà, giáo viên cần nắm chắc kiến thức bộ môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng khuyến khích học sinh chủ động, sáng tạo. Thay vì giảng bài dài, nói nhiều và sợ không giảng giải học sinh sẽ không hiểu, không biết, giáo viên có thể áp dụng các phương pháp như học theo dự án, thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề thực tế. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển tư duy phản biện còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp. Sử dụng công nghệ, tài liệu bổ sung ngoài sách giáo khoa cũng hỗ trợ học sinh tiếp cận kiến thức một cách phong phú, sáng tạo.
Chia sẻ quan điểm việc giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy học, cô Trương Thúy Lê - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức một chiều, giáo viên cần thiết kế bài giảng giúp học sinh tư duy, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tế. Ứng dụng các phương pháp như dạy học theo dự án, dạy học hợp tác, giải quyết vấn đề, học tập trải nghiệm,... giúp học sinh chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên sử dụng phần mềm hỗ trợ học tập, các công cụ số giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo nhiều hình thức khác nhau.
Việc tạo môi trường lớp học thân thiện, khuyến khích sự tương tác cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, thầy cô đóng vai trò người hướng dẫn, gợi mở để học sinh tự tìm ra câu trả lời thay vì chỉ cung cấp đáp án. Đồng thời, giáo viên cần sử dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá đa dạng, như bài tập dự án, thuyết trình, kiểm tra trắc nghiệm,... để đánh giá toàn diện năng lực học sinh.
“Tuy nhiên, giáo viên chỉ đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả khi có các điều kiện, cơ sở vật chất đáp ứng. Ví dụ sĩ số lớp ít để tạo điều kiện cho học sinh hoạt động nhóm, thiết bị đồ dùng dạy học nhiều hơn, nội dung bài học ngắn gọn… Thầy cô cần không ngừng học hỏi, tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Điều này cần sự phối hợp ủng hộ của các cấp tạo điều kiện về thời gian, kinh phí”, cô Trương Thúy Lê chia sẻ.
Khẳng định yêu cầu cấp thiết về thay đổi cách học của học trò, cô Đinh Thái Hà gợi ý, thay vì chỉ tiếp thu kiến thức thụ động, học sinh cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi tài liệu từ nhiều nguồn, học qua các hình thức khác nhau, làm việc nhóm và thực hành ứng dụng kiến thức vào thực tế. Kỹ năng tự học, tự tổ chức thời gian và khả năng giải quyết vấn đề thực tế sẽ trở thành những yếu tố quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mới.
Đưa lời khuyên tới học sinh, cô Đinh Thị Bích Liên nhấn mạnh đầu tiên đến sự chủ động trong học tập. Người học không ỷ lại toàn bộ vào giáo viên mà cần tự tìm tài liệu, chuẩn bị bài trước khi học bài mới. Trước mỗi vấn đề mới được học, cần viết ra loạt câu hỏi để tranh luận và vấn đáp giáo viên. Có như vậy, các em mới làm chủ được bài học.
Trong bối cảnh hiện nay, học sinh nên tận dụng tài nguyên số để tìm kiếm tài liệu, xem video bài giảng, sử dụng phần mềm học tập (như Học liệu.vn) để nâng cao hiệu quả tự học. Hãy dành thời gian tham gia các nhóm học tập, chia sẻ kiến thức, thảo luận, hợp tác với bạn bè để cùng tiến bộ. “Nếu cả hai chủ thể chính trong giáo dục đồng nhất thay đổi thì việc dạy và học sẽ trở nên hiệu quả hơn, chứ không chỉ để đối phó với thi cử”, cô Đinh Thị Bích Liên cho hay.
Cốt lõi vấn đề nằm ở sự thay đổi đồng bộ giữa chương trình giảng dạy, phương pháp dạy - học và cách thi cử. Nếu chỉ đổi mới một khâu thì khó giải quyết triệt để tiêu cực dạy - học thêm. Cần xây dựng đề thi bám sát chương trình mới, kiểm tra năng lực tư duy thay vì chỉ kiểm tra khả năng học thuộc. Giáo viên xây dựng tài liệu và lộ trình học tập phân hóa. Học sinh có thể tự học nâng cao thông qua các tài nguyên trực tuyến như bài giảng, khóa học miễn phí, thay vì phải đi học thêm quá nhiều. - Cô Đinh Thị Bích Liên