Trước đây nhiều người còn phân biệt môn chính - môn phụ thì giờ đây đã có sự bình đẳng giữa các môn học. Việc khen thưởng học sinh cũng được quy định rõ, làm cho đích đến của học trò không phải là các danh hiệu mà tạo ra áp lực cho phụ huynh và học sinh nữa. Nhờ tháo được "nút thắt" này, học trò không còn định kiến rằng phải học tốt môn này mà xem nhẹ môn kia mà sẽ tạo ra một hệ sinh thái rất toàn diện trong tất cả các môn học và các hoạt động.
Khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu
Với hơn 503 học sinh đang theo học, Trường Tiểu học Phú Phương (Ba Vì, Hà Nội) được đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất khang trang, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, nhất là khi triển khai chương trình SGK mới với lớp 1, 2 và sắp tới là lớp 3.
Cô Nguyễn Thị Lương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021-2022 trường đạt chuẩn mức độ 2, kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3. Diện tích toàn trường khoảng 7.050m2, hiện có 15 lớp ở 5 khối, mỗi khối 3 lớp. Khi triển khai dạy chương trình SGK mới, các thầy cô áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để đạt hiệu quả nhất cho học sinh.
Với học sinh lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt. Trẻ đọc thông viết thạo khá nhanh. Trong thời gian học trực tuyến, nhiều em phải học bằng điện thoại nên hạn chế hơn khi tiếp thu bài. Học sinh khối 1 thường được bố trí lịch học online vào buổi tối để bố mẹ có thể hỗ trợ về thiết bị. Thầy cô cũng tổ chức tốt chuyên đề, thao giảng, rút kinh nghiệm ở tất cả các môn. Tích cực sinh hoạt chuyên môn, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bài dạy và phối hợp với phụ huynh qua Zoom.
Đầu tháng 4 khi được đi học lại, các cô cũng thấy kết quả khảo sát khá tốt, dù so với năm ngoái không cao. Số em kém nhận thức ở khối 1 chỉ có hai em. Các cô bồi dưỡng thêm vào cuối buổi cho các em học yếu kém, nhất là khối 1, 2 để các em sớm bắt kịp với bạn bè.
Cũng theo cô Lương, từ ngày 19 tới 31/5 sau khi các em thi xong tất cả các môn học cuối năm, nhà trường sẽ tổ chức một số hoạt động cho học sinh như liên hoan ca khúc măng non, chào mừng Sinh nhật Bác Hồ, thi rung chuông vàng, giáo dục học sinh rèn kỹ năng sống...
"Điểm khó khăn của nhà trường là chưa có hệ thống bể bơi di động để phổ cập bơi. Học sinh chủ yếu đi học bơi ở những nơi khác. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành từ lãnh đạo các cấp và nhân dân để hoàn thiện hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học của thầy trò nhà trường" - cô Lương bày tỏ.