(GDTĐ) - Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh", Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 10/10/2024), ngày 24/8, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Sở Giáo dục và Đào tạo của hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài” tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TP Hồ Chí Minh,
Triển lãm giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các giá trị tiêu biểu giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và tinh thần học tập suốt đời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp quảng bá và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến với đông đảo công chúng, trước tiên là công chúng TP Hồ Chí Minh.
Với các thủ pháp trưng bày hiện đại, thể hiện để chuyển tải sinh động những tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ được chọn lọc, triển lãm đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho các em học sinh và công chúng tham quan. Đặc biệt với các ứng dụng công nghệ Thực tại ảo, Sách điện tử, Trí tuệ nhân tạo AI cùng các mô hình Lều chõng, Khuê Văn Các, triển lãm sẽ là điểm check in, khám phá thú vị dành cho mọi người.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cách đây gần 1.000 năm, nơi đây là trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, được lập ra với mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước. Những người sáng lập, xây dựng, phát triên, gìn giữ ngôi trường này là các vị hoàng đế, phẩm quan, học giả mà điểm chung của họ đều là người đức độ, thông tuệ, có tầm nhìn về giáo dục - phát triển giáo dục để xây dựng đất nước tự chủ, đem lại cuộc sông bình yên, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Theo ông Hồng, trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi đền tri thức Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẫn được người dân Việt Nam gìn giữ với tinh thần thành kính trước các bậc tiền nhân. Ngày nay, ngôi trường là một di sản quý giá, tiếp tục là nguồn mạch chảy, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho lớp lớp thế hệ trẻ về việc học tập suốt đời và tinh thần phụng sự xã hội, để mạch nguồn văn hóa Việt Nam chảy mãi, cùng hòa chung vào dòng chảy của nhân loại.
“Triển lãm giới thiệu đến các thấy cô giáo, các em học sinh và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về một Văn Miếu - Quốc Tử Giám,với các giá trị di sản văn hóa tinh thần nổi bật: truyền thống hiếu học, rèn đức - luyện tài, uống nước nhớ nguồn, thành kính trân trọng các bậc tiền nhân,... Đồng thời là biểu tượng cho tinh thần hoạt động giáo dục di sản, những trải nghiệm và trí tuệ Việt”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện, nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh của TP Hồ Chí Minh cơ hội tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị, Trung tâm Bảo tổn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn tổ chức các hoạt động giáo dục di sản tại sân trường.