Trình đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2024

23/10/2023, 17:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến là 59 tỷ USD.

Thông tin từ Báo Chính phủ, sáng ngày 23/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm nay, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Theo đó, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…

Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), luồng hàng hải Quy Nhơn và tuyến Chợ Gạo....

Đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.

Nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; dự kiến hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.

Thông tin từ TTXVN, theo nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải trình các cấp có thẩm quyền, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 59 tỷ USD; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2 tỷ USD, chi phí xây dựng khoảng 32 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,8 tỷ USD và chi phí dự phòng 4,1 tỷ USD.

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, nghiên cứu đề xuất phương án phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn gồm giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM chiều dài 665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 25 tỷ USD.

Trong đó, chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020 - 2026, thi công giai đoạn 2027 - 2031 và đưa vào khai thác khoảng năm 2032.

Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến 34 tỷ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng; khoảng năm 2045 - 2050 khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trình đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2024