Mù Cang Chải - huyện vùng cao tỉnh Yên Bái, đồng bào dân tộc chiếm đa số. Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: Tổng số giáo viên mầm non của huyện là 391 người. Tỷ lệ đội ngũ hiện có so với nhu cầu theo định mức Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV 391/517 đạt 75,6%.
Chế độ chính sách luôn được các cấp quan tâm đầy đủ từ lương và phụ cấp theo lương gồm khu vực, ưu đãi, hưởng 5 năm thu hút nếu được phân công tại 13 xã với mức 70%. Được quan tâm hỗ trợ nhiều, nhưng vùng khó vẫn mong đỡ khó.
Khó khăn khác là thiếu về đội ngũ. Ở những đơn vị như Trường Mầm non Hoa Hồng, Chế Tạo của Mù Cang Chải vì thiếu giáo viên nên các cô phải dạy thêm giờ, nhưng định mức chi thêm giờ theo Thông tư 48 mỗi giáo viên được thanh toán không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Do đó, kinh phí dù cấp về nhưng cũng không chi trả được là thực tế đang diễn ra.
Nằm ở thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn, huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh), Trường Mầm non Thanh Sơn có đa số học sinh dân tộc Sán Chỉ, Dao. Cô Trần Thị Thuận, Hiệu trưởng chia sẻ: Trường có 20 cán bộ giáo viên. Hàng ngày, giáo viên đi dạy phải qua đèo, núi, xa nhà, gia đình, giao thông cách trở, sáng đi tối về. Các cô đứng lớp 9 - 10 giờ/ngày theo chế độ hiện nay cộng khu vực 0,5, đứng lớp 50% nhưng tổng lương có những cô chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Xã đạt nông thôn mới là niềm vui lớn, nhưng các cô giáo lại “buồn”, khi chính sách 70% thu hút không được hưởng, giảm hỗ trợ đứng lớp từ 70% xuống 50%, và không được trợ cấp ban đầu. Với thu nhập như vậy, nhiều giáo viên không đảm bảo chi phí ổn định cuộc sống nên nhiều người có ý định bỏ việc hoặc phải kiếm thêm nghề tay trái, sự chuyên tâm cho công việc chính ít nhiều bị ảnh hưởng.
Từ những khó khăn, bất cập thực tế, theo TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng: “Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đã có nhiều quan tâm đến phát triển GDMN, trong đó có những hỗ trợ cho giáo viên mầm non vùng khó khăn, giúp các thầy cô bớt đi nhọc nhằn để bám trường, bám lớp nuôi dạy trẻ.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư 01-04/TT-BGDĐT về việc chuyển hạng xếp lương giáo viên các cấp. Thông tư quy định, với giáo viên mầm non, thời gian thăng từ hạng 3 lên hạng 2 giảm từ đủ 9 năm xuống còn từ đủ 3 năm; Giáo viên mầm non từ hạng 2 lên hạng 1, tăng từ đủ 6 năm lên từ đủ 9 năm. Cùng với sự hỗ trợ của các địa phương (cho dù chưa nhiều), thì với thầy cô giáo vùng khó sẽ giúp họ có thêm động lực để yêu và gắn bó với nghề...”.
“Giáo viên mầm non là ngành rất vất vả. Các cô giáo phải rời nhà từ sớm để đến trường đón học sinh và chỉ xong việc khi trẻ được cha mẹ đón hết mới kết thúc ngày lên lớp. Ở miền núi, đặc thù phụ huynh làm nương rẫy nên việc đón trẻ càng diễn ra muộn, vì thế giáo viên mầm non càng phải hy sinh nhiều hơn cả về thời gian tâm sức để hoàn thành nhiệm vụ...”, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ.