Trở thành vận động viên boxing nhờ học tại lớp xoá mù chữ

Hồ Phúc | 13/03/2023, 13:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lớp học tình thương tại phường Phú Mỹ đã được thành lập 40 năm nay.

Bén duyên với boxing trong quá trình tham gia học tập tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ (Quận 7, TPHCM), sau quá trình nỗ lực tập luyện, Thảo và Tuyến đã trở thành vận động viên của thành phố. Đặc biệt những năm qua, đôi bạn giành được nhiều giải cao trong các kỳ thi đấu của quốc gia cũng như địa phương.

Học võ thuật từ lớp học tình thương

Gia đình khó khăn nên Nguyễn Thị Kim Tuyến (SN 2006) trú tại Quận 7 (TPHCM) đã đến tuổi đi học mà vẫn không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Năm Tuyến lên 9 tuổi, mẹ của em biết đến lớp học tình thương phường Phú Mỹ nên đăng ký cho em học tập tại đây.

Trong quá trình học tập, thấy được năng khiếu thể thao của Tuyến và một số trẻ trong lớp, thầy giáo Phan Trung Hải, phụ trách lớp học tình thương đã mở thêm lớp học võ thuật, mời thầy có chuyên môn (thầy Nguyễn Phương Nam, trú tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM) về dạy.

Theo chia sẻ của Tuyến, trước đó cuộc sống gia đình của em gặp rất nhiều khó khăn. Ba làm phụ hồ, còn mẹ đi phụ bán hàng, suốt bao năm qua gia đình vẫn phải đi thuê trọ.

Thời điểm trước khi đến với lớp học tình thương ở phường Phú Mỹ, Tuyến cũng đã theo học một lớp học tình thương khác trên địa bàn Quận 7, nhưng sau đó lại nghỉ và đến năm 2015 mới đăng ký học tại lớp học tình thương của thầy Hải. Nhờ học tập tại đây mà Tuyến đã trở thành vận động viên boxing của TPHCM.

Từ khi trở thành vận động viên boxing TPHCM, cuộc sống của Thạch Thanh Thảo (SN 2006) quê ở Vĩnh Long, người dân tộc Khmer đã chuyển sang một trang mới.

Giờ đây em không còn phải lo lắng về việc ăn ngủ nghỉ của bản thân, hàng tháng còn gửi tiền về phụ giúp cho gia đình. Thảo cho biết hơn 10 năm về trước mẹ Thảo làm công nhân và trọ ở Quận 7 để tiện đi lại, gửi em cho người cậu sống ở Quận 4 (TPHCM) chăm sóc.

Trước đây Thảo từng có 3 năm học tại một lớp học tình thương ở Quận 4, nhưng vì điều kiện đi lại khó khăn không có người đưa đón nên phải nghỉ học giữa chừng và về sống cùng mẹ.

Đến năm 2017, mẹ Thảo biết đến lớp học tình thương phường Phú Mỹ, sau đó đưa em về Quận 7 sinh sống và đăng ký cho học lớp 4 và 5 tại đây. Tại lớp học tình thương này, nhận thấy Thảo có khả năng võ thuật nên thầy giáo đưa em vào lớp học võ.

Trở thành vận động viên boxing nhờ học tại lớp xoá mù chữ ảnh 1

Tuyến (trái) và Thảo (đứng cạnh) khi đang học võ tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ.

Động lực từ người thầy

Từ cuối 2020 đến nay trong quá trình thi đấu Tuyến đã đạt được 2 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ TPHCM, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ toàn quốc. Thảo cũng đã giành được những thành tích nhất định như: Huy chương Đồng giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc và Huy chương Vàng giải vô địch Boxing trẻ TPHCM.

Lớp học tình thương tại phường Phú Mỹ đã được thành lập 40 năm nay. Trải qua nhiều thế hệ giáo viên phụ trách giảng dạy, hàng trăm đứa trẻ nghèo đã biết đọc, viết và làm các phép tính. Năm 2017, thầy giáo Phan Trung Hải, tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy tại đây.

Theo chia sẻ của thầy Hải, lớp tập võ được thành lập cách đây 4 năm, mục đích ban đầu là rèn luyện sức khoẻ cũng như tạo cho trẻ trong lớp học tình thương có sân chơi sau những giờ làm, giờ học căng thẳng.

Tuy nhiên trong quá trình luyện tập, nhận thấy có 8 em trong lớp võ thuật có tố chất với boxing nên khoảng đầu năm 2020 thầy Hải đã kết nối với Trung tâm văn hoá thể thao Quận 7 để các em luyện tập và phát triển lên.

Sau gần 1 năm ôn luyện, Tuyến và Thảo đạt được nhiều thành tích nên tiếp tục được giới thiệu lên tập tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (Quận 11) để thi đấu những giải lớn hơn.

“Đợt đó do không có phương tiện đi lại nên tôi đã dành dụm, trích ra một phần thu nhập của mình, phần còn lại là đi vận động các ban, đoàn thể tại địa phương hỗ trợ những tấm vé xe buýt cho Thảo và Tuyến đi lại suốt những ngày tháng tập luyện.

Tôi luôn động viên, hỏi thăm các em với mong muốn học trò của mình sẽ được tham gia vào đội tuyển boxing của TPHCM. Đến nay mong ước tôi đã trở thành hiện thực khi Thảo và Tuyến đều đã trở thành vận động viên của thành phố.

Giờ đây, mỗi tháng các em được nhận trợ cấp, tương lai cũng sáng hơn. Thấy các em như vậy, bản thân thấy vui lắm, mong cho các em đạt được nhiều thành tích trên con đường đã chọn”, thầy Hải chia sẻ.

Nhắc đến thầy Hải người đã luôn đồng hành và hỗ trợ để có được những thành công như bây giờ, Thảo cho biết: “Thời điểm học tập tại lớp học tình thương, em cũng như các thành viên trong lớp luôn nhận được sự yêu thương, quan tâm của thầy giáo Hải.

Thầy là một người rất ấm áp và gần gũi. Trong quá trình học tập bản thân em may mắn hơn khi được tạo điều kiện để học võ thuật. Biết điều kiện em và các bạn khó khăn nên thầy là người thường xuyên đưa đón, hỗ trợ kinh phí và động viên về tinh thần. Nhờ đó mà cuộc sống em ổn định hơn, không còn khó khăn như trước đây nữa”.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, mẹ của Tuyến hiện làm tạp vụ, lương bấp bênh, không ổn định. Trong khi đó người chồng thất nghiệp nhiều năm nay do bệnh gai cột sống nặng, không làm được những công việc nặng nhọc.

Chị cho biết thời gian qua trong quá trình học tập, huấn luyện, thi đấu, số tiền mà Tuyến dành dụm được chỉ giữ lại một ít chi tiêu cá nhân, còn lại chuyển hết cho mẹ để chăm sóc cho gia đình và ba chữa bệnh.

“Tuyến là một người rất ham học, có hiếu với ba mẹ và thích học võ thuật từ bé. Từ khi đến lớp học tình thương, được thầy Hải dìu dắt nên đã tạo được cơ hội cho cháu phát triển.

Tôi luôn nhắc nhở cháu về sự giúp đỡ, hỗ trợ từ thầy Hải, đó là động lực, là một bàn đạp để cháu vươn lên trong cuộc sống. Vợ chồng tôi rất tự hào về con gái của mình”, chị Ngân chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở thành vận động viên boxing nhờ học tại lớp xoá mù chữ