PGS Wendi Li, nhà tâm lý học tại Trường Đại học James Cook, Australia, nhận định: Đại dịch gây ra những tác động tiêu cực đối với sinh viên quốc tế tương tự sinh viên trong nước vì các em đều bị cô lập với mọi người xung quanh. Nhưng sinh viên quốc tế phải chịu nhiều tác động bổ sung từ nỗi nhớ nhà và khác biệt văn hóa.
Sự khác biệt trong cách đối phó với dịch Covid-19 ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng khiến sinh viên quốc tế nghi ngại. Trong khi Trung Quốc vẫn tiến hành phong tỏa thành phố nghiêm ngặt để phòng dịch, quê hương của các du học sinh đã dỡ bỏ nhiều hạn chế. Bất hòa trong nhận thức khiến sinh viên quốc tế mất niềm tin vào các quy định kiểm soát dịch.
Từ đó, ngày càng nhiều sinh viên lên tiếng phản đối các biện pháp phòng chống dịch tại Trung Quốc và yêu cầu nới lỏng cách tiếp cận với dịch Covid-19. Các em khẳng định điều này là phù hợp trong bối cảnh người dân đã được tiêm vắc-xin Covid-19.
Trong khi đó, sinh viên quốc tế đăng ký du học Trung Quốc nhưng chưa được phép nhập cảnh cũng bày tỏ sự sốt sắng vì lo ngại không thể tốt nghiệp đúng thời hạn hoặc không nhận được chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí phải chi trả.
Theo các chuyên gia giáo dục, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư giáo dục quốc tế để thu hút sinh viên quốc tế học tập tại nước này. Nếu tình trạng đóng cửa biên giới tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mất đi số lượng đáng kể sinh viên quốc tế.
Nhằm hỗ trợ du học sinh trong và ngoài Trung Quốc, các chuyên gia nghiên cứu đã đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ. Các cơ sở giáo dục đại học có thể giúp sinh viên quốc tế nâng cao khả năng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa để hòa nhập với môi trường học tập.
Theo PGS Li, trong thời gian phong tỏa, nhà trường cần có sự quan tâm, chăm lo đến đời sống và sức khỏe tâm thần của du học sinh. Đồng thời, đảm bảo chất lượng giáo dục, thực hành để sinh viên quốc tế yên tâm học tập và phát huy năng lực theo mong muốn cá nhân.