Trung Quốc đang 'lấp đầy khoảng trống' của Mỹ ở Trung Đông?

Công Thuận | 20/06/2023, 20:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà phân tích cho rằng việc tiếp cận Trung Đông của Trung Quốc thiên về ổn định khu vực để đảm bảo lợi ích của chính họ.

Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống của Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) được Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud đón tiếp tại Cung điện Yamamah ở Riyadh. Ảnh: Anadolu

Khi ở Saudi Arabia vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định rằng Washington “không yêu cầu bất kỳ ai lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”. Những lời lẽ của ông Blinken có vẻ khá chung chung, nhưng nơi ông đưa ra thông điệp lại là vấn đề đáng chú ý: Saudi Arabia và quan trọng hơn là Trung Đông. Đây là một khu vực luôn biến động, nơi các mối quan hệ đang thay đổi.

Ông Blinken là quan chức cấp cao thứ 3 của Mỹ đến thăm Saudi Arabia kể từ tháng 3 năm nay, khi thế giới dậy sóng với tin tức về một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Riyadh và Tehran, một thỏa thuận được nhiều người coi là “cuộc đảo chính ngoại giao” của Bắc Kinh.

Khi thỏa thuận được ký kết, ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói rằng “thế giới không chỉ giới hạn trong vấn đề Ukraine”. Mọi thứ tiến triển đến mức Iran đã mở lại đại sứ quán của mình ở Riyadh, 7 năm sau khi bị đóng cửa, và lãnh sự quán của họ ở Jeddah.

Với động lực đó, Bắc Kinh nhắc lại sự sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho sự đối đầu lớn khác của khu vực: Vấn đề Palestine và Israel, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương gọi điện cho những người đồng cấp Palestine và Israel để nêu ra đề nghị.

Cuối tuần trước, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đến Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức lần thứ 5 tới Trung Quốc khi hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Abbas, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẵn sàng giúp hòa giải nội bộ ở Palestine, cũng như đàm phán hòa bình về một “giải pháp lâu dài” cho tranh chấp với Israel.

Với hàng loạt sự kiện có ý nghĩa địa chính trị này, câu hỏi được đặt ra là liệu đó có phải là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấp đầy khoảng trống do Mỹ định hình ở Trung Đông hay không. Nhưng có lẽ câu trả lời cần có thời gian và cũng phức tạp như lịch sử lâu đời của khu vực chiến lược này.

"Ván cờ lớn" giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo Andrew Leung, một nhà phân tích tại Hồng Kông, có ít nhất hai lý do khiến Bắc Kinh xích lại gần hơn với các quốc gia Trung Đông. Ông Leung nói: “Thứ nhất, Mỹ không phải là khách hàng lớn nhất đối với nguồn dầu mỏ từ Trung Đông, mà là Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với cả Saudi Arabia và Iran. Bắc Kinh không chỉ trích bất kỳ ai trong số họ về nhân quyền, dân chủ,...”.

Nhà phân tích trên lưu ý Trung Đông đang chứng kiến “ván cờ lớn đang diễn ra” giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Ông giải thích rằng Mỹ đã “nỗ lực kiềm chế” Trung Quốc cả về công nghệ và ngoại giao, ngoài vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Trong khi đó, Einar Tangen, một nhà bình luận và phân tích về Trung Quốc, cho biết Mỹ đã chuyển từ một khách hàng về năng lượng thành một "đối thủ cạnh tranh năng lượng lớn” đối với các nước Trung Đông. Ông Tangen nêu rõ: “Mối quan hệ đã thay đổi đáng kể, với GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) nói riêng và khu vực nói chung. Vì là khách hàng mua năng lượng chính của GCC, Bắc Kinh muốn Trung Đông ổn định về chính trị”.

Về phần mình, Hongda Fan, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết hai mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc ở Trung Đông là “hợp tác kinh tế và thương mại”.

Đánh giá này phù hợp với những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - GCC đầu tiên ở Riyadh vào tháng 12 năm ngoái, nơi ông Tập vạch ra 5 lĩnh vực ưu tiên của Bắc Kinh, bao gồm cả việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cho các giao dịch dầu khí.

Để những kế hoạch như vậy thành hiện thực, Trung Đông cần sự ổn định. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đang thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông và “đó cũng là điều mà các nước Trung Đông mong muốn”, Giáo sư Fan lưu ý. Tuy nhiên, ông Fan cho biết vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận Saudi Arabia - Iran “không nên phóng đại”. Ông giải thích: “Thành công của Trung Quốc dựa trên thực tế là cả Iran và Saudi Arabia đều có mong muốn hòa hoãn mạnh mẽ và hai nước đã giải quyết hầu hết các vướng mắc trong việc nối lại quan hệ ngoại giao với sự giúp đỡ của Iraq và Oman”.

Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống của Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 2.

Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc ở Trung Đông là hợp tác kinh tế và thương mại. Ảnh: Anadolu

Ông Fan nhấn mạnh rằng có một “sự khác biệt lớn” trong cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc và Mỹ trong khu vực. Không đồng ý với quan điểm cho rằng Trung Quốc “sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Trung Đông”, ông Fan nêu quan điểm: “Trên thực tế, ảnh hưởng và sức hấp dẫn của Mỹ ở Trung Đông vẫn lớn hơn so với các quốc gia bên ngoài khác”.

Giáo sư Fan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia Trung Đông để “đạt được quyền tự chủ chiến lược, đó là sự đảm bảo chính cho sự ổn định, hòa bình và phát triển lâu dài trong khu vực”. Ông nói thêm: “Trung Quốc hoan nghênh một Trung Đông như vậy vì đó là sự đảm bảo rằng hai bên có thể tăng cường hợp tác”.

Chất xúc tác cho sự thay đổi

Einar Tangen, một thành viên cao cấp tại Viện Taihe ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc coi cách tiếp cận của Mỹ ở Trung Đông là “tiêu cực”, đặc biệt là do nhiều năm “can thiệp trực tiếp” và "gây hỗn loạn". “Những nỗ lực của Trung Quốc, như có thể thấy, không phải là đưa ra các điều khoản có lợi cho mình mà là nỗ lực khiến họ có thể nói chuyện với nhau, thay vì đối đầu”, chuyên gia Tangen nói.

"Mặc dù người ta nói nhiều về việc Trung Quốc 'lấp đầy khoảng trống' do Mỹ để lại, nhưng tổng thể và bản chất của sự can dự từ Trung Quốc không phải là sự thống trị kiểu thực dân của Mỹ, mà là xây dựng sự đồng thuận mang tính xây dựng”, ông Tangen nói thêm. Theo ông Tangen, suy nghĩ này dựa trên quan điểm của Bắc Kinh về Trung Đông “với tư cách là nhà cung cấp tài nguyên và thị trường thương mại”.

“Câu chuyện của Trung Quốc liên quan đến thực tế đa phương đang nổi lên là về sự trỗi dậy của Nam bán cầu. Đây không phải là việc chọn bên. Trung Quốc muốn trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi. Sự khác biệt ở đây là những nhà môi giới như Mỹ luôn muốn có lợi ích”, ông Tangen nhấn mạnh.

Sami al-Arian, Giám đốc một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Istanbul, cũng cho rằng Trung Quốc đã giữ quan điểm “kiên định” về Palestine, trong khi duy trì tốt mối quan hệ với Israel, đặc biệt là về công nghệ và quốc phòng, kể từ những năm 1980.

Ông al-Arian nêu rõ việc Bắc Kinh thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với người Palestine là vì họ đang “tìm cách khẳng định lập trường của mình trên khắp Trung Đông” và có một số mục tiêu khác: “Họ muốn thuyết phục Saudi Arabia rằng Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy" và đó sẽ là một thách thức trực tiếp đối với "quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực”.

Sau thành công với Iran và các quốc gia vùng Vịnh khác, Trung Quốc muốn “thiết lập những thành công tiếp theo và tất nhiên, nếu có thể, họ sẽ tạo ra một bước đột phá về vấn đề Palestine”, ông al-Arian nói. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ sẽ “không ngồi yên” khi Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực hòa bình hoặc đàm phán về vấn đề Palestine - Israel và "quan trọng hơn là Israel sẽ không quan tâm”.

Bài liên quan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở lại châu Âu
Các nhà lãnh đạo Hungary và Serbia là những người ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đang 'lấp đầy khoảng trống' của Mỹ ở Trung Đông?