Kang Wu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhu cầu toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết, dù khoản tiết kiệm được chỉ là một phần trong chi phí nhập khẩu dầu của Trung Quốc, nhưng lợi ích này rất quan trọng đối với các nhà lọc dầu nhỏ.
Ảnh: Bloomberg
Từ tháng 1 đến tháng 9/2023, dựa trên số liệu do Vortexa và Kpler cung cấp, Nga xuất khẩu khoảng 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày thông qua đường biển tới Trung Quốc. Ngoài ra, theo các nguồn tin thương mại Trung Quốc, nước này nhập khẩu khoảng 800.000 thùng dầu thô ESPO mỗi ngày qua đường ống.
Theo Vortexa, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xuất khẩu của Nga tăng hơn 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ, trong đó chiếm lượng lớn là dầu Urals. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên Moscow đã làm chuyển hướng dòng dầu của nước này từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Năm nay, Trung Quốc tiết kiệm được 4,34 tỷ USD bằng cách nhập khẩu dầu của Nga, dựa trên so sánh của Reuters về chênh lệch giá hàng tháng giữa dầu thô ESPO (Nga) và dầu từ Brazil; dầu Urals (Nga) so với dầu từ Oman (Reuters sử dụng thông tin về giá do các thương nhân cung cấp).
Với việc nhập khẩu dầu từ Venezuela, Trung Quốc tiết kiệm trung bình 10 USD/thùng so với dầu thô Castilla của Colombia. Nước này cũng tiết kiệm được khoảng 15 USD/thùng khi mua dầu thô Iran so với dầu Oman.
Như vậy, Trung Quốc tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD bằng cách nhập khẩu kỷ lục 1 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ từ Iran và tiết kiệm được 1,17 tỷ USD khi nhập khoảng 430.000 thùng/ngày dầu của Venezuela.
Trang Live Trading News đánh giá, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu từ các nước bị phương Tây trừng phạt tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nếu Nga, Iran và Venezuela có thể bán dầu của họ với giá chiết khấu cho Trung Quốc, thì các nhà sản xuất dầu khác cũng buộc phải giảm giá. Điều này có thể dẫn đến giá toàn cầu giảm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.