Nhắc nhở là cần thiết nhưng cần khéo léo
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường Đại học Công thương TP.HCM, không nên quá tiêu cực mà cần nhìn nhận sự việc theo hai hướng.
Thứ nhất, trên thực tế không ít sinh viên “chây ì” trong việc đóng học phí nên các trường đại học mới phải dùng đến biện pháp đăng danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng. Đây có thể coi là biện pháp cần thiết để thúc đẩy trách nhiệm và khuyến khích sinh viên thanh toán các khoản nợ của họ. Chỉ khi công khai danh tính của những người nợ học phí mới tạo ra áp lực xã hội khiến họ ưu tiên trả nợ.
Thứ hai, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc bảo mật dữ liệu cá nhân trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu bị đánh cắp có thể gây ra những tổn thất khó lường.
Vì vậy, phản ứng gay gắt của nhiều sinh viên, phụ huynh trước động thái công khai nợ học phí cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, khi bị công khai thông tin trên mạng sẽ khiến sinh viên trở nên nhạy cảm, ngại với bạn bè, người thân.
Do đó, ông Sơn cho rằng, việc các trường nhắc nhở sinh viên nộp học phí là cần thiết nhưng cần khéo léo, không nên công khai thông tin chi tiết lên mạng xã hội, tránh làm tổn thương sinh viên.
“Sinh viên nợ học phí là tình trạng thường thấy ở các trường đại học, có thể hiểu do nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như riêng 2020 - 2021, trường Đại học Công thương TP.HCM ghi nhận số nợ học phí của sinh viên vào khoảng 30%, ảnh hưởng khá lớn đến tài chính của trường.
Nhà trường áp dụng biện pháp dán giấy có ghi thông tin sinh viên nợ phí trên bảng tin của nhà trường, đồng thời gửi email riêng cho từng sinh viên”, ông Sơn thông tin.