Trường đại học bàn về xoay trục thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương

19/10/2023, 18:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 19/10, hội thảo về ảnh hưởng của hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Trường ĐH Luật TPHCM.

Hội thảo "Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường" do Trường Đại học Luật TPHCM và Đại học Tours (Pháp) phối hợp tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 20 chuyên gia quốc tế và hơn 250 các chuyên gia, giảng viên, học viên, sinh viên trong nước tham gia theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khai mạc hội thảo, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nắm giữ vị trí địa - chính trị chiến lược.

Vì vậy, từ vài thập kỷ nay, châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm đích của chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Các chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn được thiết kế dựa trên những tính toán ở nhiều phương diện khác, trong đó có ngoại giao, chính trị.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu khai mạc. Ảnh: HCMULAW ảnh 1
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu khai mạc. Ảnh: HCMULAW

Theo TS Lê Trường Sơn, chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, với nhiều khía cạnh, phương diện kể trên đã, đang và sẽ chi phối, ảnh hưởng đến chính sách và luật của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Đặc biệt, để thực thi chiến lược đó, một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định tự do hóa thương mại, bảo hộ đầu tư được ký kết giữa các đối tác trong khu vực với nhau, giữa các đối tác trong khu vực với các đối tác bên ngoài khu vực.

Trong mạng lưới đó, có những hiệp định quan trọng mang tính chất toàn cầu nhưng cũng có nhiều hiệp định song phương với quy mô tương đối nhỏ.

"Chúng ta phải trả lời được câu hỏi quan trọng là các hiệp định ấy và việc thực thi hiệp định đóng góp thế nào cho mục tiêu bảo đảm an ninh, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế, gìn giữ môi trường, bảo vệ quyền con người ở tầm mức quốc gia, khu vực và thế giới, bảo đảm công bằng, hỗ trợ những quốc gia đang phát triển?", ông Lê Trường Sơn đặt vấn đề cho hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HCMULAW ảnh 2
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HCMULAW

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/10 với 8 phiên trình bày, thảo luận của các học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và cố vấn pháp lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học bàn về xoay trục thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương