Trường đại học Trung Quốc loại bỏ yêu cầu tiếng Anh vì thấy 'không thực tế'

Hoa Vũ/VTC News | 22/09/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại học Giao thông Tây An, một trong những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, trở thành trường đầu tiên loại bỏ yêu cầu bắt buộc tiếng Anh đối với sinh viên.

Quyết định của trường Đại học Giao thông Tây An được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về lợi ích thực tế của môn học đối với nhiều người ở nước này.

Theo đó, Đại học Giao thông Tây An, một trường đại học công lập ở tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, xác nhận rằng trường không còn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành Bài kiểm tra tiếng Anh (CET) để xét tuyển vào trường hoặc tốt nghiệp.

CET là kỳ thi tiếng Anh hàng năm của Trung Quốc dành cho sinh viên đại học và sau đại học, người học thường phải vượt qua hai cấp độ: Cấp 4 để được nhận vào một trường đại học và Cấp 6 để tốt nghiệp.

Theo văn phòng công tác học thuật của trường Giao thông Tây An, sự thay đổi này là “biện pháp bình thường được nhà trường thực hiện theo những diễn biến hiện tại”, lưu ý thêm rằng các khóa học tiếng Anh cấp đại học dựa trên CET vẫn sẽ được giảng dạy.

Trường đại học Trung Quốc loại bỏ yêu cầu tiếng Anh vì thấy không thực tế - Ảnh 1.

Đại học Giao thông Tây An là trường đầu tiên ở Trung Quốc loại bỏ yêu cầu bắt buộc tiếng Anh với sinh viên. (Ảnh: SCMP)

Trường Đại học Giao thông Tây An nằm trong kế hoạch "Song nhất lưu", một danh sách gồm 140 trường đại học hàng đầu Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xây dựng các trường đại học hạng nhất thế giới và các ngành học hạng nhất được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố năm 2015.

Trường Đại học Giao thông Tây An là trường đầu tiên trong danh sách "Song nhất lưu" thực hiện thay đổi bằng việc loại tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc.

Tiến sĩ Yu Xiaoyu, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết mặc dù việc loại bỏ CET như một yêu cầu về bằng cấp sẽ không làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung, nhưng sinh viên có thể trở nên ít động lực học ngôn ngữ hơn.

“Điều không thay đổi là phần lớn thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn coi tiếng Anh là có lợi, vì vậy có nhiều khả năng những sinh viên có trình độ tiếng Anh cao hơn, đặc biệt là những người có thể chứng minh được điều đó, sẽ có nhiều cơ hội hơn” , Yu nói thêm.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, quan điểm cho rằng việc học ngôn ngữ thứ hai sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ của người học là sai lầm.

“Trẻ em có khả năng sử dụng song ngữ hoặc thậm chí đa ngôn ngữ khi chúng tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ. Trong khi đó, sinh viên đại học, hầu hết là người trưởng thành, đã đạt đến trình độ thông thạo tiếng mẹ đẻ và cho dù họ có học bao nhiêu ngôn ngữ mới, họ vẫn luôn có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình” , Yu cho hay.

Cùng với Tiếng Trung và Toán, Tiếng Anh là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Trung Quốc hay còn gọi là Gaokao.

Kế hoạch giảm bớt gánh nặng cho tiếng Anh trong khi tăng cường trọng lượng cho tiếng Trung đã được thảo luận trong khoảng một thập kỷ trở lại đây ở Trung Quốc đại lục, trong đó các trường đại học cũng được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn để giảm bớt áp lực cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên ở khu vực nông thôn, nơi hiếm khi sử dụng tiếng Anh.

Nhà lập pháp Tuo Qingming đã có phát biểu gây chú ý ở cuộc tranh luận trong phiên họp lập pháp thường niên tại Bắc Kinh vào tháng 3, nói rằng tiếng Anh “có ít giá trị thực tế đối với nhiều người”.

“Đối với một số lượng đáng kể người dân, việc học ngoại ngữ chỉ để được vào học đại học. Những gì họ học thực sự mang tính định hướng cho kỳ thi… Họ sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng ngoại ngữ trong công việc hoặc cuộc sống của mình” , ông Tuo nói.

Chuyên gia Yu bày tỏ quan điểm rằng tính ít giá trị thực tế của các khóa học CET có nghĩa là những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi vẫn có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng ông cho rằng hệ thống này nên được cải cách thay vì bãi bỏ.

“Chúng ta không nên coi quyết định của trường (Đại học Giao thông Tây An) là dấu hiệu cho thấy họ đang ít coi trọng tiếng Anh hơn.

Thay vào đó, điều này có thể hàm ý rằng các hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc hiện đang tìm cách cải cách các kỳ thi tiếng Anh cấp đại học để phù hợp với nhu cầu học tập và nghề nghiệp của sinh viên hiện tại. Lý tưởng nhất là sinh viên nên được đào tạo ngôn ngữ đa dạng, từ cách diễn đạt đến giao tiếp giữa các cá nhân”, Yu nói.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Bài liên quan
"Tiên nữ tộc người đẹp nhất Trung Quốc" mặc monokini, hiếm hoi khoe hình thể nuột nà
"Tiên nữ tộc người đẹp nhất Trung Quốc" hiếm hoi khoe ảnh diện đồ bơi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học Trung Quốc loại bỏ yêu cầu tiếng Anh vì thấy 'không thực tế'