Ngày 10/5, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức công bố ba chuyên ngành đào tạo trình độ đại học ngành Kinh tế quốc tế.
Chương trình được tổ chức bởi Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, với chủ đề “Đường tới thành công: Học tập và phát triển sự nghiệp cùng ngành Kinh tế quốc tế”. Đây là sự kiện quan trọng trong chiến lược phát triển đào tạo gắn với nhu cầu thị trường và xu hướng hội nhập toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, ngành Kinh tế quốc tế là một trong những ngành học có tính dẫn dắt, gắn với các mục tiêu phát triển quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Việc phân hóa chương trình thành ba chuyên ngành sâu là bước đi chiến lược trong đào tạo, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy toàn cầu và năng lực hành động bản địa.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định, nhà trường mong muốn cung cấp cho người học không chỉ một chương trình đào tạo bài bản, mà còn là một hành trình học tập trọn vẹn – nơi mỗi sinh viên hiểu rõ mình học để làm gì, có thể trở thành ai, và đóng góp thế nào cho cộng đồng – đất nước – thế giới.
Từ năm học 2025, chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế chính thức triển khai ba chuyên ngành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân hóa nghề nghiệp và xu thế hội nhập quốc tế:
Thương mại quốc tế: tập trung vào chính sách thương mại, hội nhập khu vực và toàn cầu.
Kinh doanh quốc tế và Phát triển thị trường toàn cầu: định hướng kỹ năng chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia.
Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu: đào tạo quản lý chuỗi cung ứng hiện đại, gắn với chuyển đổi số.
Nhân dịp này, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế giới thiệu “Bản đồ nghề nghiệp ngành Kinh tế quốc tế” – một công cụ trực quan giúp sinh viên định hướng lộ trình học tập và nghề nghiệp.
Chương trình cũng chứng kiến Lễ ký kết hợp tác (MOU) giữa UEB và các trường THPT trọng điểm tại Hà Nội, phần chia sẻ từ doanh nghiệp, cựu sinh viên và trao học bổng cho sinh viên xuất sắc.
Đây là hoạt động khẳng định cam kết trong công tác hướng nghiệp và kết nối giáo dục giữa bậc phổ thông và đại học. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng có phần chia sẻ thực tế về nhu cầu tuyển dụng, kỹ năng cần thiết đối với sinh viên ngành Kinh tế quốc tế và xu hướng thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập.
Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu cho 9 ngành và 30 chuyên ngành đào tạo; trong đó có các chương trình đào tạo chính quy trong nước và chương trình liên kết quốc tế với các đối tác uy tín. Các phương thức tuyển sinh gồm:
Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo 8 tổ hợp: A01, D01, D09, D10, C01, C03, C04, C14.
Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, SAT, ACT, A-Level) với học bạ THPT
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội.