“Niềm hạnh phúc của trẻ em vốn rất đơn thuần, mộc mạc. Đôi khi đó chỉ là có quần áo mới hay được tặng đồ dùng học tập mới, nhận gói gạo, túi muối. Vừa làm từ thiện tôi vừa động viên các em chăm chỉ học hành. Thấy các em ngày một đầy đủ, ấm no hơn là niềm hạnh phúc để các thầy cô tiếp tục cống hiến và nỗ lực vì học trò”, cô Tuyền bày tỏ.
Xây dựng môi trường học thân thiện
Tại Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh Hà Nam, trường học hạnh phúc luôn là một trong những công tác được nhà trường quan tâm, thầy cô xây dựng.
Theo cô giáo Lê Thị Thuý Nga, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm qua, nhà trường đã tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua như phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”... phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Đồng thời, ý kiến, chia sẻ của giáo viên, học sinh được ghi nhận để cùng nhau xây dựng ngôi trường an toàn, chất lượng.
Nhà trường cùng với công đoàn tìm và thực hiện nhiều giải pháp để chăm lo cải thiện đời sống cho giáo viên, tạo điều kiện để đồng nghiệp yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi những lo lắng được san sẻ, thầy cô có thể tập trung hơn vào công tác chuyên môn với tinh thần thoải mái, tích cực. Nguồn năng lượng tích cực này sẽ được lan truyền đến các em học sinh nhà trường.
Còn với cô Lưu Thúy Nở, giáo viên lớp học chuyên biệt tại Trường Tiểu học Sơn Lạc, tỉnh Tuyên Quang, hạnh phúc là khi chứng kiến học sinh khuyết tật được học tập và hoà nhập cùng bạn bè đồng trang lứa.
Trong lớp của cô Nở, trẻ khuyết tật có nhiều dạng như tăng động, câm điếc... Khi giáo viên giảng bài, các em khó có thể giữ trật tự mà thường nghịch ngợm hay bị phân tán tư tưởng. Do đó, giáo dục trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn, uốn nắn từng chút một và hơn hết là tình yêu thương. Nhưng nếu giáo viên không ngừng nỗ lực, các em sẽ hiểu và đáp lại tình thương này.