Bạn Phạm Ngọc Châu Anh - đại diện đội thi Trường THCS Dịch Vọng Hậu cho biết: Em rất vinh dự và hào hứng được tham gia cuộc thi. Em sẽ cố gắng hết mình để lan tỏa thông điệp của cuộc thi, để tuyên truyền cho việc không có ma túy, thuốc lá điện tử trong nhà trường, cho môi trường học đường thêm xanh, cho tuổi trẻ có tương lai ngày càng tươi sáng hơn.
Cuộc thi “Trường học không ma túy” được tổ chức quy mô quốc gia, nhằm lan tỏa rộng rãi đến tất cả các em học sinh, giới trẻ trên toàn quốc thông điệp: “Nói không với ma túy và hãy chung tay đẩy lùi ma túy”.
Cuộc thi được tổ chức dưới dạng gameshow truyền hình, được phát sóng trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam từ tháng 11/2023. Ban tổ chức dự kiến sẽ ghi hình tại các trường thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn và Nam Định.
Tại mỗi tỉnh, thành phố sẽ có 3 trường THCS và 3 trường THPT đại diện cho học sinh của địa phương để tham gia cuộc thi, hứa hẹn không chỉ bổ ích đối với các em học sinh, mà sẽ hấp dẫn, lôi cuốn với mọi khán giả truyền hình.
Ban tổ chức sẽ ghi hình hai chương trình tương ứng với hai cuộc thi: Một chương trình 3 đội cấp THCS thi với nhau, một chương trình 3 đội cấp THPT thi với nhau.
Học sinh tham gia gameshow sẽ thi 3 phần, gồm trắc nghiệm, hùng biện và tài năng - năng khiếu. Thời lượng gameshow được ghi hình là 30 phút. Đặc biệt, mỗi gameshow đều có sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng giao lưu cùng các em học sinh, góp phần lan tỏa thông điệp, và cũng chính là tên của chương trình “Trường học không ma túy”.
“Ngoài mục tiêu về nội dung, gameshow còn hướng đến tiêu chí hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ học sinh tham gia trực tiếp mà cả đối tượng khán giả xem truyền hình” - Ông Lưu Ngọc Ánh - Trưởng phòng Kiến thức cộng đồng, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam cho biết.
Nói về cuộc thi, bà Trương Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân cho biết, Trường THCS Nghĩa Tân thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa cho học sinh, qua đó tuyên truyền cho các em nhiều nội dung về phòng chống ma túy, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông…
Khi được mời tham gia chương trình, Ban Giám hiệu nhà trường rất hào hứng, bởi đây cũng là nội dung nhà trường luôn muốn tuyên truyền cho các em học sinh.
Tuy trong trong thời gian kiểm tra giữa kỳ, nhưng nhà trường vẫn thông báo đến các lớp và được các em học sinh hào hứng đăng ký tham gia. Điều này cho thấy hiệu quả tuyên truyền của nhà trường đối với các em học sinh về phòng chống ma túy học đường. Đồng thời thể hiện điểm sáng về sự quan tâm cũng như ý thức chấp hành pháp luật nhà nước của nhà trường và các em học sinh đối với việc phòng chống ma túy.
Thông tin từ Bộ Công an cho thấy, năm 2022, toàn quốc đã đấu tranh thành công gần 24.000 vụ, bắt giữ hơn 36.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 741kg heroin, 105kg thuốc phiện, 268kg cần sa, 4,7 tấn ma túy ma túy tổng hợp; khởi tố mới gần 23.000 vụ, 31.000 bị can; bắt 363 đối tượng truy nã về ma túy. Toàn quốc hiện có khoảng 262.000 người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Một bộ phận giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy là cách để khẳng định bản thân với quan điểm… phải sử dụng ma túy thì mới là “dân chơi” hoặc “sành điệu”.
Nguyên nhân được cho là giới trẻ còn mơ hồ, ngộ nhận về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện. Hơn thế, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định về xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Thái Lan… cũng đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, dẫn đến một bộ phận giới trẻ nhận thức không đúng về việc sử dụng ma túy và các chất kích thích không gây nghiện.