Các trường học huyện vùng cao đã và đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng đón những bước chân vui đến trường.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, phòng GD&ĐT huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể huy động tối đa trẻ đến lớp. Phòng đang rà soát lại hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học mới đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trong dịp hè để nâng cao lực cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Năm học 2024 – 2025, trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn có tổng 134 em, 100% học sinh đều là con em dân tộc Nùng. Trường gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ là Bản Mè và điểm trường Khuổi Chặng. Trong đó điểm Khuổi Chặng cách xa điểm chính khoảng 8 km.
Ngay từ đầu tháng 8, ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng các kế hoạch đầu năm và triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh chuẩn bị cho ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường và lễ khai giảng năm học mới.
Thầy Lâm Văn Vản, Phó Hiệu trưởng trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ chia sẻ: Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường, giáo viên và học sinh đã nỗ lực khắc phục những khó khăn để sẵn sàng với tâm thế tốt nhất. Đối với học sinh lớp 1 nhà trường đã tổ chức dạy học tiếp cận Tiếng Việt cho HS từ ngày 15/08/2024 trước khai giảng 2 tuần.
Đến thời điểm hiện tại nhà trường đã tổ chức tựu trường cho học sinh tất cả các lớp và lao động vệ sinh trường lớp tiếp tục trang trí lớp học chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho năm học mới 2024-2025.
Tuy nhiên, trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ là trường vùng 3 vùng đặc biệt khó khăn nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như trường đã được xây dựng cách đây hơn 20 năm đến thời điểm hiện tại một số hạng mục công trình đã xuống cấp, tường đã bong tróc, bám rong rêu.
Bên cạnh đó các phòng chức năng, các thiết bị phục vụ cho giảng dạy còn thiếu, sân trường chưa có tường bao nên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý học sinh bán trú. Bếp ăn bán trú cách xa trường học, do đó mỗi lần ăn cơm học sinh phải qua đường giao thông. Hệ thống mạng Internet ở các điểm trường chưa có.
Các điểm trường cách xa nhau, phải qua sông nên giáo viên, học sinh đi lại rất vất vả.
“Nhà trường rất mong muốn được xây thêm các phòng chức năng, hệ thống tường bao, đầu tư thêm các thiết bị dạy học như tivi treo tường của các lớp, áo phao cho học sinh để các em có thể qua sông an toàn tới lớp”. Thầy Vản cho biết thêm.
Còn tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, năm học 2024 – 2025, trường có tổng số 222 học sinh với 10 lớp, trong đó tỷ lệ học sinh là người đồng bào DTTS chiếm 94,6%.
Thầy Luân Văn Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Những ngày qua thầy cô đã bắt tay sửa sang, làm đẹp lớp học, đến nay công tác chuẩn bị cho năm học mới của trường đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày khai giảng.
Trong tháng 8, trường đã tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tại trường và giáo viên cũng tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của Phòng giáo dục.
"Để vận động các em đến học đông đủ trong năm học mới, ngoài nỗ lực của nhà trường, chính quyền xã, các hội đoàn thể cũng rất quan tâm, làm tốt công tác vận động, đặc biệt là đến tận nhà vận động học sinh khuyết tật, qua đó động viên, khích lệ để không học sinh nào bỏ học. Vì vậy, năm học này sĩ số cơ bản đảm bảo", thầy Quỳnh vui mừng chia sẻ.
Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới, trên lưng chừng núi cao, nơi những làn sương mù che phủ, những tia nắng vàng ấm mùa thu làm không khí năm học mới thêm rộn ràng, các thầy cô giáo và các em học sinh đang nỗ lực chuẩn bị cho một năm học mới nhiều niềm tin yêu ở các ngôi trường vùng cao huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn