Đối với cô Phan Thị Hải Yến, giáo viên Trường Tiểu học Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, việc “dạy tăng ca” thực hiện từ năm học 2021 – 2022, khi trường học rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên.
Là năm thứ 2 triển khai Chương trình GDPT 2018, tuy nhiên nhà trường phải cố gắng xoay xở để có một giáo viên mỗi lớp chứ chưa mong đảm bảo quy định phải có tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp để dạy 2 buổi/ngày. Do đó, khi giáo viên nghỉ đột xuất, nhà trường không có đủ người dạy thay. Bản thân các thầy, cô giáo cũng thường xuyên phải dạy tăng tiết. Cô Yến chia sẻ: “Công việc hiện nay tương đối lớn, giáo viên thường phải mang việc từ trường về nhà làm nên tạo ra nhiều áp lực. Lắm lúc vì quá bận rộn, chúng tôi không thể dành thời gian chăm lo cho gia đình, chồng con. Tuy nhiên, xác định đây là khó khăn chung của toàn ngành nên giáo viên nhà trường đều nỗ lực, động viên nhau cùng cố gắng”.
Là giáo viên Ngữ văn tại một trường THCS ngoại thành Hà Nội, cô Nguyễn Thị Ngọc Linh ngoài dạy đủ 19 tiết/tuần còn tìm hiểu thêm tài liệu để dạy kiêm nhiệm Nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên, không phải chuyên môn được đào tạo, cô Linh cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận tài liệu lẫn đứng lớp.
Cô Linh chia sẻ: “Là giáo viên trẻ, tôi cần trau dồi thêm kiến thức, cách soạn giáo án để nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Văn. Bây giờ, phải tìm hiểu thêm Nội dung giáo dục địa phương, kiến thức hoàn toàn mới, nên mất khá nhiều thời gian. Trong tuần thì thức khuya xem tài liệu, cuối tuần cũng phải gác việc gia đình để học thêm kiến thức nên rất vất vả”. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cô Linh cho rằng, việc dạy kiêm nhiệm không thể bảo đảm chất lượng môn học như yêu cầu.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa ký hợp đồng với một giáo viên tốt nghiệp sư phạm môn Giáo dục công dân để đứng lớp các môn Tự nhiên xã hội và khoa học. Giáo viên chủ nhiệm nhờ vậy được giảm 1,5 tiết/tuần. Một số nội dung hoạt động trải nghiệm như giờ học thư viện cũng sẽ do giáo viên này triển khai. Theo thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường, đây là giải pháp để “dưỡng sức” cho đội ngũ. Giáo viên chủ nhiệm sẽ tập trung vào dạy những tiết tăng cường Toán, Tiếng Việt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học này, nhà trường có hơn 300 học sinh bán trú nên khối lượng công việc kiêm nhiệm của giáo viên rất nhiều.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng cũng hợp đồng trái môn một giáo viên dạy Anh văn. Theo thầy Ngọc, giáo viên này có 2 bằng đại học sư phạm chuyên ngành Vật lý và Tiểu học. “Tuy nhiên, chúng tôi biết cô có một thời gian dạy tiếng Anh tại trung tâm ở huyện nên nhà trường ký hợp đồng, bố trí dạy môn Anh văn” – thầy Ngọc nói và cho biết: Do thiếu giáo viên Anh văn nên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng chỉ có thể dạy 1 tiết/tuần chứ không thể đảm bảo đủ số tiết theo quy định.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng chỉ dạy 1 tiết Anh văn/tuần vì thiếu giáo viên, không bảo đảm đủ số tiết theo quy định. |
Phòng GD&ĐT Nam Trà My đang trưng tập một Phó Hiệu trưởng của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng. Vì vậy, hiệu trưởng và hiệu phó còn lại đều đứng lớp. “Nhà trường đang thiếu 2 giáo viên văn hóa nên các giáo viên có chức danh kiêm nhiệm đều được động viên dạy đủ 27 tiết/tuần theo quy định. Số tiết được tính giảm cho các chức danh kiêm nhiệm thì nhà trường tính vào tăng tiết”, thầy Ngọc cho biết.
Tương tự, huyện Nam Trà My thiếu 293 giáo viên so với biên chế được giao và đang triển khai thi tuyển 263 chỉ tiêu tuyển dụng theo chủ trương của tỉnh. Thế nhưng, ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My - bày tỏ băn khoăn không biết số thí sinh đăng ký dự tuyển liệu có đủ chỉ tiêu tuyển dụng hay không. Tại cuộc họp về kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, ông Thuận nêu thực trạng: “Để giải quyết vướng mắc này, huyện có giải pháp giao các trường tìm kiếm giáo viên hợp đồng, song thực tế không có nguồn nên phải thực hiện dạy trái môn, người có trình độ trung cấp mầm non có thể dạy tiểu học. Mong tỉnh chấp nhận giải pháp này của địa phương”, ông Thuận đề nghị.
Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh Hưng Yên còn thiếu 3.466 giáo viên. Trong đó, mầm non là 2.226 người, tiểu học là 867, THCS: 261 giáo viên, còn THPT là 112 giáo viên. Tình trạng này khiến tỷ lệ giáo viên tiểu học chỉ đạt 1,24 giáo viên/lớp trong khi quy định để dạy 1 buổi/ngày là 1,2 giáo viên/lớp; 1,5 giáo viên/lớp đối với học 2 buổi/ngày. Để khắc phục khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho hay, sở đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát để bố trí, sử dụng giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT thuộc quyền quản lý bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các trường học, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ; bố trí, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng để dạy lớp 1, 2 và lớp 6.
Tại địa phương miền núi luôn đối mặt với sự biến động lớn về đội ngũ do mỗi năm đều có giáo viên xin chuyển về đồng bằng. Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài.