Tận dụng kẽ hở thời gian để đào tạo thực hành
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh (Nghệ An), phần lớn học sinh đều tham gia song song 2 chương trình văn hóa THPT và đào tạo nghề. Ông Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Đối với chương trình văn hóa, nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Vinh để dạy cho học sinh. Còn chương trình nghề, chúng tôi tận dụng mọi kẽ hở thời gian trong năm học để dạy trực tiếp phần thực hành”.
Theo ông Nguyễn Khắc An, trước đó, nhà trường đã giao cho giáo viên tách phần lý thuyết và các mô-đun, bài thực hành có thể quay clip hướng dẫn học sinh. Tuy nhiên, đặc thù của trường nghề trong dạy thực hành phải có phần giao cho học sinh làm thử, thao tác trực tiếp trên thiết bị, nguyên liệu… mà rất khó đáp ứng qua online. Một mặt không có giáo viên trực tiếp chỉ dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả. Mặt khác, học sinh của trường phần lớn là con em nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Các em ở nhà không đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, đồ dùng để thực hành, làm thử.
Vì thế, trong năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh vẫn tận dụng mọi dịp có thể dạy trực tiếp để tập hợp học sinh quay lại trường. Trong khoảng thời gian đó, tăng cường số tiết, tăng ca để bù đắp, đẩy kịp chương trình đào tạo, nhất là cho học sinh năm cuối.
Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn quốc tế, Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An cũng quyết định cho sinh viên quay lại đi học giữa mùa dịch. Đây là thời điểm các em chuẩn bị cho bài thi giữa kỳ theo đúng giáo trình nước ngoài. Để đảm bảo an toàn, nhà trường thực hiện “3 tại chỗ” cho cả sinh viên và giảng viên trong trường. Đồng thời bố trí sinh viên học thực hành theo từng nhóm nhỏ, nếu dịch bùng phát ở đâu sẽ khoanh vùng tại đó để không ảnh hưởng đến sinh viên khác.
Với hơn 2.000 sinh viên các khoa ngành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại vẫn bố trí, sắp xếp lại thời khóa biểu, chia thành nhiều ca học để đảm bảo giãn cách. “Điều này sẽ gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên. Giáo viên cũng vất vả hơn do tăng gấp đôi, gấp ba số tiết đứng lớp, bỏ nhiều công sức để chuẩn bị cả giáo án trực tiếp lẫn trực tuyến. Nhưng trong hoàn cảnh này đây là giải pháp tối ưu nhất và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cũng thống nhất”, ông Phan Đăng Trường – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay.
Năm học 2021 - 2022, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cũng xác định ưu tiên dạy học trực tiếp. Trừ thời điểm dịch bệnh căng thẳng, số sinh viên, học viên là F0 tăng cao, còn lại đều tổ chức dạy học bình thường. Ông Nguyễn Công Thắng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: Nhận định dịch bệnh sẽ còn kéo dài, nhà trường đã yêu cầu các khoa xây dựng lại kế hoạch đào tạo của năm học phù hợp, linh hoạt với thực tiễn.
“Những năm học khác, thời khóa biểu thường chỉ điều chỉnh 1 học kỳ/lần nhưng nay chúng tôi có thể sắp xếp theo từng tuần. Cụ thể lý thuyết chuyên ngành dạy học trên nền tảng trực tuyến, các môn thực hành cơ bản nhà trường yêu cầu giảng viên dạy cho sinh viên qua clip. Riêng môn thực hành chuyên sâu, chúng tôi tận dụng thời gian vàng để tổ chức dạy tại trường. Bên cạnh đó dạy học cả thứ 7, Chủ nhật để kịp chương trình đào tạo”, ông Nguyễn Công Thắng nói.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, khi hoạt động đào tạo bị gián đoạn liên tục bởi dịch bệnh, việc thích ứng là điều mà các trường nghề hướng tới. Cùng lúc áp dụng nhiều hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, nhưng ưu tiên nhất vẫn là để sinh viên được học và thực hành tại trường, thực tập tại doanh nghiệp. Bởi nếu kéo dài việc học online, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, sinh viên. Cùng với đó là thiệt thòi về cơ hội thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm của người học.