Trưởng thôn góp sức phổ cập giáo dục mầm non

Hoàng Vinh | 16/10/2022, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều năm qua, công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi ở huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

100% trẻ ra lớp đúng độ tuổi

Trong năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục huyện Hòa Vang tiếp tục có những đổi mới. Trong đó, việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-5 tuổi, 100% trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đúng quy định.

Tại Trường Mầm non Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có 1 điểm chính và điểm phụ, trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục quốc gia từ năm 2017. Cô Nguyễn Thị Minh Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để nâng chất lượng giáo dục mầm non, chúng tôi luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, nhằm đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình phổ cập giáo dục.

Trong năm học 2021-2022, trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%. Đặc biệt, có 60 trẻ người dân tộc thiểu số cũng đến trường đúng độ tuổi quy định. Năm học mới 2022-2023 tỷ lệ trẻ ra lớp vẫn được duy trì 100%.

Trưởng thôn, trưởng bản góp sức phổ cập giáo dục Mầm non ảnh 1
Trẻ tham gia các hoạt động trong giờ học.

Theo cô Thanh, trước đây, việc tuyên truyền trẻ đến lớp gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do giao thông đi lại cách trở, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều thiếu thốn... Tuy nhiên, khi HĐND TP Đà Nẵng có Nghị quyết 202 (quy định chính sách đối với giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP– PV), trẻ mầm non được hỗ trợ chi phí, cùng với đó là sự đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nên phụ huynh đã tích cực đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi quy định.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ cũng luôn được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 5 tuổi. Với 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ tại thôn Nam Yên và thôn Giàn Bí, trường có tổng cộng 24 giáo viên biên chế. Nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường, huyện và thành phố.

Còn tại Trường Mầm non xã Hòa Phú, nhiều năm qua luôn giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021-2022, trường có 300 học sinh trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Trong đó, khoảng 40 em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ năm 2016 cho đến nay.

Trường Mầm non Hòa Phú có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Một trong những tiêu chí ưu tiên của trường đó là xây dựng môi trường học tập của các cháu đảm bảo xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Cô Thoa cho biết thêm, trường luôn phối hợp tuyên truyền để phụ huynh đưa học sinh đến trường để trẻ được chăm sóc, vui chơi và học tập, còn cha mẹ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, trường luôn quan tâm đến những trẻ có gia đình khó khăn để động viên, có biện pháp hỗ trợ.

Với đặc thù ngôi trường vùng xa, trong đó điểm trường thôn Phú Túc là nơi học tập của 40 học sinh dân tộc thiểu số, Trường Mầm non xã Hòa Phú đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, nhằm xây dựng môi trường học tập, vui chơi tốt nhất cho trẻ.

Đại diện Trường Mầm non Hòa Phú cho hay, hằng năm vào khoảng tháng 7, các giáo viên sẽ đi điều tra độ tuổi và làm công tác phổ cập giáo dục vừa vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp.

"Với trẻ người Cơ tu, trường cũng bố trí giáo viên về tận nhà vận động, đồng thời những buổi họp trong thôn, bản, các trưởng thôn sẽ tuyên truyền để phụ huynh có cái nhìn đúng đắn và đưa con đến lớp”, cô Thoa nói.

Cô Thoa cũng cho hay, với số lượng 24 giáo viên, trong đó có 9 giáo viên giỏi cấp huyện, 6 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, trường luôn hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tính tích cực sáng tạo ở trẻ; giúp phát triển tư duy, nhân cách cho trẻ một cách toàn diện.

Theo ông Phan Hữu Dũng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, huyện có 15 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục. Trong đó, các trường đều đã đạt chuẩn Quốc gia.

Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra trường trên địa bàn huyện là 100%. Số lượng trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú khoảng 90 em. Số trẻ này được hỗ trợ kinh phí ăn uống mỗi tháng từ Nghị quyết của HĐND TP. Đà Nẵng nên có nhiều thuận lợi trong việc huy động cũng như duy trì sĩ số.

“Bên cạnh đó, nhiều năm qua, chính quyền và ngành Giáo dục đã đầu tư về cơ sở vật chất cho các điểm trường, đặc biệt là trường xa thành phố, tạo thuận lợi cho trẻ đến lớp. Đồng thời, giáo viên cùng với chính quyền xuống từng hộ gia đình để tuyên truyền. Chính vì vậy, việc trẻ đến lớp lớp đúng độ tuổi quy định rất thuận lợi, do có sự đồng thuận cao từ phụ huynh”, ông Dũng thông tin.

Chuẩn hóa trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2022-2025. Với mục tiêu đặt ra nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm nâng cao năng lực, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm ít nhất 60% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; 80% giáo viên mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục, năng lực tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Trưởng thôn, trưởng bản góp sức phổ cập giáo dục Mầm non ảnh 2
Việc phổ cập giáo dục cho trẻ gặp nhiều thuận lợi do có sự đồng thuận của phụ huynh.

Bảo đảm 80% giáo viên mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin; năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên…

Giai đoạn 2023-2025, Đà Nẵng bảo đảm 100% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; 100% giáo viên mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục, năng lực tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non…; 80% giáo viên mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh quản lý…

Đối tượng tập trung đào tạo, bồi dưỡng là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân công lập và ngoài công lập; giáo viên trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố…

Có thể thấy rằng, việc phổ cập giáo dục mầm non tại TP. Đà Nẵng nhất là các xã vùng xa bước đầu đã có những thay đổi tích cực. Đặc biệt, từ khi HĐND TP. Đà Nẵng có Nghị quyết 202 về quy định chính sách đối với giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP, việc phổ cập giáo dục ở vùng xa đã diễn ra suôn sẻ.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2022 trên địa bàn thành phố vào ngày 22/9 vừa qua, bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, thành phố thực hiện tốt chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bậc tiểu học, bậc trung học.

Đồng thời, thực hiện tốt việc dạy và học, hạn chế lưu ban, bỏ học, có kế hoạch phân luồng học sinh vào học các trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Bên cạnh đó, thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Thành phố cũng đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Phát triển, mở rộng mô hình trường bán trú, nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn.

Bài liên quan
Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong phổ cập giáo dục mầm non
Mức độ phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục bắt buộc 9 năm tại Trung Quốc hiện ngang bằng với các nước có thu nhập cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trưởng thôn góp sức phổ cập giáo dục mầm non