FDA cho biết sóng vi ba và sóng vô tuyến là các "bức xạ không ion hóa", nghĩa là chúng không có đủ năng lượng để đánh bật các electron ra khỏi nguyên tử. Do đó, vi ba không làm hỏng ADN bên trong tế bào, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.
Ngược lại, tia X và tia gamma được phân loại là "bức xạ ion hóa", có đủ năng lượng để loại bỏ các electron khỏi nguyên tử và có thể làm hỏng tế bào và ADN.
Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cũng lý giải tương tự. Theo website chính thức của trường, tin đồn "đứng gần lò vi sóng đang bật gây ung thư" là hoàn toàn sai sự thật.
"Lò vi sóng được thiết kế sao cho bức xạ vi ba chỉ được chứa bên trong lò. Lò chỉ tạo sóng vi ba khi lò được đóng cửa và được bật", Trường Y Harvard giải thích.
Khi lò vi sóng ở tình trạng tốt và được sử dụng theo hướng dẫn, không có bằng chứng nào cho thấy chúng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
"Mọi người cần đảm bảo lò vi sóng ở trong tình trạng hoạt động tốt. Bạn cần thay thế lò vi sóng bất cứ khi nào nó bị hư hỏng để phòng ngừa các rủi ro", Trường Y Harvard khuyến cáo thêm.
Tóm lại, Trường Y Harvard khẳng định sử dụng lò vi sóng không có rủi ro miễn sao chúng ở trong tình trạng tốt.
(Nguồn: Trường Y Harvard, Live Science)