***
Má tôi lên ở mấy ngày và mấy ngày này tôi như được giải thoát khỏi cơn ác mộng bị đánh thức nửa đêm của con gái nhỏ. Bé Dâu trộm vía rất thích ngủ với bà ngoại, tôi cũng cảm thấy mừng vì con bé dù gặp mặt bà không nhiều nhưng vẫn không xa lạ và bám bà hơn bám mẹ.
Kể từ ngày má lên ở, tôi cũng có nhiều thời gian ra ngoài mua sắm và cà phê cùng bạn bè hơn. Thậm chí cùng chồng đi hẹn hò ăn uống xem phim ôn lại những kỉ niệm ngày hai đứa còn tự do chưa bị ràng buộc bởi bé Dâu. Một lần, đi siêu thị về vừa bước đến cửa phòng, tôi lập tức dừng bước, bàn tay đặt trên tay nắm cửa cũng chững lại.
“Bé Dâu ngoan, thương bà thì lớn chậm thôi nhé. Không phải bà không muốn bé Dâu ăn mau chóng lớn mà bà sợ bé Dâu lớn rồi sau này bà sẽ không được ôm bé Dâu mỗi lúc bà muốn nữa. Không được hôn bé Dâu thật nhiều cũng như sẽ không còn được ngủ cùng bé Dâu nữa.
Bé Dâu biết không? Mẹ của bé Dâu ngày bé cũng bám bà lắm đấy. Đi ngủ cũng phải nằm sấp trên bụng của bà, bà đi tắm, đi vệ sinh cũng bon chen vào đứng ở một góc nhìn bà chằm chằm. Vậy mà chớp mắt một cái mẹ bé Dâu lớn rồi”.
Cách một cánh cửa nhưng tiếng của má vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Những lời má nói với bé Dâu tôi nghe rõ ràng không sót chữ nào. Giờ tôi ngẫm lại, tự đặt câu hỏi cho mình.
Nếu bé Dâu vào lớp một bé Dâu có còn đeo bám tôi nữa không? Nếu bé Dâu vào cấp hai thì tôi còn có thể ôm hôn lúc nào thì kéo con bé vào ôm chặt hôn thật nhiều nữa không? Và khi con bé lên cấp ba, con bé có còn đồng ý mặc những bộ quần áo do tôi chọn tôi mua cho nữa không? Và cuối cùng khi còn bé bước chân vào giảng đường đại học, phải đi đến nơi xa hơn để tiếp tục theo đuổi ước mơ tương lai của con bé.
Lúc này làm sao tôi có thể gặp con mỗi ngày được nữa. Huống chi đến lúc con lấy chồng đi về miền xứ khác của người ta thì tôi càng khó gặp con hơn. Tôi bắt đầu thấy sợ con lớn thật rồi.
***
Từ lúc má về quê tôi cũng bắt đầu dành nhiều thời gian cho bé Dâu hơn. Trừ những lúc con ngủ, tôi sẽ làm một vài việc riêng của mình. Ngoài ra, tôi sẽ không làm bất cứ việc gì chạm đến điện thoại và máy tính khi con đang thức. Thậm chí tôi cũng muốn chồng tôi như vậy.
“Anh à! Mai mốt việc ở công ty thì cố gắng hoàn thành ở công ty, đừng mang về nhà làm tiếp nữa nhé. Anh dành thời gian chơi với con nhiều một chút”.
“Em hôm nay sao vậy? Trông con nhiều quá bị stress rồi hả? Có cần anh đón bà nội hay bà ngoại lên trông con ít hôm không?”. Chồng tôi có chút sửng sốt lo lắng nhìn tôi.
Tôi mỉm cười lắc đầu, tôi biết anh cũng rất yêu thương con, đi công tác lần nào về cũng mua đồ chơi cho con. Về đến nhà đều ôm con hôn thật lâu. Nhưng bình thường anh rất ít dành thời gian cho con, nếu không phải vì công việc thì anh cũng chơi game nói chuyện phiếm với bạn bè.
Tôi cũng không ngăn cản hay có ý kiến gì nhưng sau khi nhận ra sẽ có lúc phải hối hận vì đã bỏ qua quá nhiều thời gian có thể chơi cùng con, cùng con lớn lên. Tôi không muốn anh sau này cũng sẽ như thế.
“Anh có từng nghĩ, khi có thời gian rảnh rỗi thì đã đến lúc con trưởng thành và rời xa vòng tay của chúng ta không? Ngày xưa ba má đã đồng hành cùng chúng ta trong từng chặng đường khôn lớn. Đôi lúc, từng khoảnh khắc nhớ lại tuổi ấu thơ có ba má ở bên cạnh chia sẻ buồn vui có phải anh hạnh phúc lắm không?”.
Anh im lặng nhìn tôi, tôi biết anh đã hiểu lời tôi muốn nói. Với nhịp sống hiện đại, con người ta dường như đã bị cuốn vào với các thiết bị điện tử và nhịp sống tất bật của dòng đời mà quên đi sự gắn kết yêu thương của gia đình.
Đột nhiên tôi sợ lắm, tôi sợ đến một ngày bé Dâu sẽ lớn, sẽ không còn ở bên cạnh tôi nữa. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói mà má tôi hay thủ thỉ với bé Dâu: "Con ơi! Đừng lớn". Đừng vội lớn để mẹ được ở bên cạnh con nhiều hơn, để được vô tư ôm con hôn con mỗi lúc. Để được con làm nũng chạy đến ôm chân mỗi khi con muốn….