Truyện ngắn: Ríu rít mùa Xuân…

11/02/2024, 17:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhanh thật! Mới hôm nào vừa Tết xong, quay lại quay qua giờ lại tới Tết.

1.

Tới Tết nữa rồi!

Nhanh thật! Mới hôm nào vừa Tết xong, quay lại quay qua giờ lại tới Tết. Tết tới thì mừng, tất nhiên, nhưng nó đang “đau đầu” một chuyện. Cũng không có gì to tát…, mà không! To chớ sao không? Ba bữa Tết là dịp để ăn chơi, người lớn đã vậy huống chi còn nhỏ xíu như nó?

Ăn uống ở nhà chẳng nói làm chi, ngặt cái vụ chơi là phải… đi. Muốn đi chơi cho thoải mái thì chân cẳng phải tự do. Xưa giờ nó luôn được mệnh danh là “cái chân đi”, đâu có lúc nào ở nhà yên. Ngày thường, hễ rảnh nó lại lông rông ra đường hoặc biến sang hàng xóm khiến tới giờ cơm mẹ phải kêu ơi ới.

Tới Tết thì thôi khỏi nói: Sáng lùa vội vàng ba hột cơm xong là mất hút, dông dài tới xẩm đen xẩm đỏ mới ló mặt về! Bắt ở nhà không cho ra đường chắc chắn là cực hình với nó.

Ngày thường còn vậy huống chi là Tết? Mẹ biết nên cũng không cấm - cho dù nhiều bữa nó mê chơi về muộn khiến mẹ phải trông đứng trông ngồi. Ba sầm mặt cự nự: “Bà cứ chiều con cho lắm, coi chừng nó sinh hư!” Mẹ cười giả lả vuốt giận: “Kệ đi ông, nó còn con nít, Tết mà…”.

Vậy nhưng, ấy là chuyện của mấy Tết trước. Tết này nó bị “cột cẳng” thật sự. Tự do không còn. Đầu dây mối nhợ là do mấy con chim. Không biết tự lúc nào nó đâm mê nuôi chim. Dãy lồng nhốt sáu bảy con chim.

Hai con chào mào cùng một con chích chòe lửa là thành quả trèo cây bắt tổ chim non. Đám còn lại toàn là cu cườm. Nó mê tiếng gáy cu cườm. Những con cu cườm có đôi chân đỏ, lông màu gạch nâu và chiếc cổ đeo “tạp dề” đầy những hạt cườm xanh biếc. Sáng sáng, chúng “cúc cù cu” đua nhau gáy rộn.

Cu cườm gáy, lũ chào mào, chích chòe nghe cũng nổi cơn hưng phấn ríu rít gáy theo. Với nó, đó là thứ âm nhạc tuyệt diệu nghe chưa bao giờ chán kể từ ngày nó biết nuôi chim.

Mà đâu chỉ nghe gáy thôi đâu, nhìn lũ chim tung tăng rỉa cánh, rỉa lông rồi gù gù gọi bạn cũng sướng mắt khỏi chê. Mẹ thấy nó suốt ngày loay hoay với mấy cái lồng chim - nhiều bữa quên ăn – lại lầm bầm thở ra: “Hổng biết nó mê gì nơi mấy con chim mà mê dữ?” Nó gân cổ cãi: “Tại mẹ chưa nuôi nên chưa biết, chim mà hổng mê thì mê cái gì trời…”.

2.

Trong đám chim ngày ngày được chăm sóc nâng niu có một con mà nó rất quý. Ấy là con “Tổng quản”. Con cu cườm “chúa” – quà chú Hùng tặng cho nó trước ngày chú lên đường đi du học. Chú Hùng vừa học giỏi vừa là tay chơi chim có hạng. Đương nhiên nó mê chú Hùng cũng chẳng kém… mê chim.

Rảnh rỗi là tót ngay sang nhà, tò tò theo chú phụ đan lồng, phụ cho chim ăn, đổ nước tắm hoặc ngồi nghệch mặt hàng giờ nghe chim hót say sưa. Chú Hùng tâm đắc kêu nó là “đệ tử”, dạy cho không ít “công phu” nuôi chim. Trước ngày đi, chú kêu người vô bán hết bầy chim, chừa lại mỗi con “Tổng quản”. Nó sang chơi, chú nói, giọng buồn thỉu:

- Chú sắp phải đi. Chim chóc chú sang nhượng hết rồi. Riêng con Tổng quản này chú yêu nó như con, không nỡ bán…

Nó nghe mắt cay cay. Con Tổng quản của chú Hùng, nó biết, là một con cu cườm “siêu hạng”. To, đẹp mã, gáy hay và khỏe. Bầy cu nuôi của chú Hùng đông lên là nhờ nó. Nó đã giúp chú Hùng bẫy không biết bao nhiêu chàng cu hoang háo thắng, “tức” tiếng gáy của Tổng quản, tìm đến để so tài.

Dân chơi chim mộ điệu nghe danh Tổng quản từng tìm đến, trả 5 triệu đòi mua nhưng chú Hùng không bán. Chú yêu nó như con do cái nết trung thành. Có lần vệ sinh lồng cho Tổng quản xong, chú sơ ý quên không đóng cửa.

Chỉ chờ có thế, Tổng quản rón rén chui tọt ra ngoài, vù bay! Mất dạng nửa ngày đột nhiên thấy nó mò về đáp xuống, chui lại vô lồng mổ lấy mổ để thức ăn. No nê xong, cu cậu không thèm trở ra mà bay đậu lên thanh ngang lồng xù lông rụt cổ, miệng chép chép, mắt lim dim…

- Vậy giờ tính sao với Tổng quản hả chú?

- Chú tính… tặng nó lại cho cháu; nhưng…

Gì đây, không phải mình nghe lộn chớ. Nó tự véo tai đau điếng để chắc chắn mình không mơ. Không, mà có mơ nó cũng chẳng bao giờ dám mơ giấc mơ bự cỡ đó. Con Tổng quản là niềm ao ước của mọi dân chơi chim cảnh. Thằng nhóc thò lò mũi xanh như nó mà tự dưng sở hữu được con chim quý dường kia thì đúng phép mầu!

- Chú… nói thiệt hả chú? Giọng nó run run.

- Thiệt. Nhưng cháu phải hứa với chú một chuyện…

…?

Cháu phải yêu thương, chăm sóc nó như con. Nuôi chim cực thế nào cháu biết rồi đó. Giống chim không chịu bỏ bê. Lười biếng, ham chơi thì không nuôi được. Cháu nghĩ cho kĩ!

Nghĩ gì nữa, thời gian đâu mà nghĩ, nó gật đầu cái rụp, cười toe:

- Dạ cháu… nghĩ rồi. Cháu nuôi được!

- Chắc chưa?

- Dạ, chắc!

- Ok, chú tin cháu. Vậy từ bữa nay, con Tổng quản là

của cháu…

3.

Nuôi chim với nó chẳng khó mấy. Nó là “đệ tử” chú Hùng; từng được chú hướng dẫn từ việc đan lồng đến ăn uống, tắm rửa cho chim. Cực là đương nhiên; nhưng nó chịu được. Có niềm vui nào chẳng phải trả giá? Thật sự, nó không tưởng tượng việc chú Hùng ra đi lại khiến nó buồn đến vậy.

May còn con Tổng quản. Mỗi lúc nhớ chú nó lại ra hè nhà chỗ mắc lồng chim ngắm nghía, chuyện trò cùng Tổng quản. Nhìn cảnh Tổng quản đi lại, ăn uống, thi thoảng hùng dũng xù lông vươn cổ gáy cúc cù cu cứ tưởng như chú Hùng vẫn còn hiện diện quanh đây…

Giờ thì nó yêu Tổng quản chắc chắn không kém chú Hùng. Khỏi cần lời hứa với chú Hùng nó cũng sẽ chăm sóc Tổng quản tới nơi. Con Tổng quản sau ít hôm đầu ủ rũ đã quen, hoạt bát thân thiện hơn cùng ông chủ mới. Đương nhiên chàng Tổng quản “siêu hạng” không phải chỉ biết ăn và… gáy.

Mấy con cu cườm tơ nó đang thuần dưỡng là “chiến lợi phẩm” suốt mùa Hè qua. Lặn lội nơi vườn điều bạt ngàn bên kia sông, nó thả sức nghêu ngao cùng với chiếc lồng bẫy đựng chú chim cưng.

Cu hoang thuần dưỡng xong nó sẽ đem “trao đổi hai chiều” lấy mấy con chìa vôi, sáo sậu của thằng Tí xóm trên. Tính trước vậy thôi chứ bây giờ thì nó còn đang bận tối mắt tối mũi với lũ chim nhà. Chú Hùng nói không sai; từ ngày bắt tay nuôi chim, nó bỏ hẳn thói quen hễ rảnh rỗi là phi ra đường hoặc biến sang hàng xóm…

4.

Nhưng ấy là ngày thường, không phải Tết!

Thằng Phong “chiến hữu” hăm he: Tết này bọn mình nhất định phải rủ nhau làm chuyến chơi xa. Ra đảo khỉ! Chơi nguyên ngày luôn! Mấy năm nay tới Tết toàn lẩn quẩn trong xã ngoài thôn, chán òm! Nhất trí! “Cái chân đi” là nó đương nhiên giơ luôn… bốn tay mà hưởng ứng.

Giơ xong mới sực nhớ: Trời đất, đi chơi nguyên ngày rồi bỏ lũ chim, bỏ con Tổng quản ai trông? Từ ngày nhận Tổng quản về nuôi, nó vắng nhà lâu nhất cũng chỉ hết buổi học, thời gian còn lại luôn ra vào, loay hoay với chim. Còn hỏi, để chim được mát mẻ lanh khôn sáng sáng nó lo dời hết đám lồng chim ra treo nơi vườn ổi chú Tám.

Được gần thiên nhiên nhưng phải chịu khó trông chừng: Vườn tược luôn tiềm ẩn những mối nguy cho chim như kiến còng hoặc lũ mèo hoang ranh mãnh. Đi chơi cả ngày, bỏ chim ư? Thôi, nó bí xị, xua xua tay, tao không đi được. Tao phải ở nhà coi chim! Thằng Phong cười phá: Coi ngó gì, thằng kia, chim mày nhốt trong lồng, ai bắt mất đâu mà sợ? Nhưng tao… Thằng Phong sốt ruột xua xua tay: Thôi được, tùy mày. Cứ nghĩ kĩ đi, một năm Tết có một lần á...

Một năm Tết có một lần, câu nói ấy cứ ong ong, ám ảnh trong đầu. Ra đảo khỉ chơi vẫn là ao ước bấy lâu nay của nó. Nghe nói đảo đẹp, nhiều chim chóc. Còn nữa, nguyên một bầy khỉ bạo dạn loăng quăng theo người đùa giỡn rất vui.

Một năm Tết có một lần, một năm Tết có một lần…; ghét ghê! Hay mình liều, bỏ đại mấy con chim một hôm? Lâu nay phòng tới canh lui miết đâu có chuyện gì đâu? Thiệt, nghĩ đến cảnh Tết nhất bạn bè rủ đi chơi hết trơn, mình mình bó gối ngồi nhà cùng mấy con chim không… chảy nước mắt mới là chuyện lạ!

5.

Mồng 4 Tết. Một ngày ngoài đảo khỉ đúng vui quá xá!

Chưa có cái Tết nào nó được vui như vậy. Khu sinh thái mát rượi, sạch bong, tha hồ chạy nhảy đùa vui. Lũ khỉ lẵng nhẵng theo người chìa tay xin thức ăn. Bạo dạn hơn, có con còn phốc lên vai ngồi cho nó kiệu đi khắp xứ! Chơi mê mải tới lúc trời đã xế, rời đảo lên ghe về vẫn còn tiếc nuối…

Bước qua cổng nhà, chưa thay quần áo nó đã vội đâm bổ ra sau. Băng nhanh qua vườn chú Tám kệ cho gai cào xước cả cổ chân. Giờ mới nhớ tới lũ chim, lạy trời…

Tiếng chim nhao nhác, rần rật trong mấy chiếc lồng tre kiên cố. Lông cánh lông đuôi rụng bay lả tả. Lũ chim - con cuống cuồng quay quay, gại mỏ lia lịa vào đám lông xơ xác; con tuyệt vọng rúc đầu qua kẽ hở giữa các nan lồng tìm cách chui ra. Kiến, vô số kiến.

Kiến dưới đất trào lên, theo nhánh cây đổ xuống từng dòng, bâu đen quanh lồng con Tổng quản. Mắt nó trợn trừng kinh hãi nhìn con chim yêu quý giãy đành đạch tuyệt vọng giữa bao nhiêu là kiến.

Luống cuống giật cửa lồng thò lôi con Tổng quản ra ngoài, nó cuống quýt dùng tay ra sức phủi đám kiến lì lợm bám đu. Tổng quản điên cuồng vùng vẫy, tuột tay rớt xuống. Vừa lảo đảo gượng dậy đã thấy cái bóng xám tro vụt tới, vồ, cắp Tổng quản chạy bay. Phi lên mái ngói, con Mướp nhà chú Tám còn quay lại nhe răng, “ngoao” một tiếng như cười…

6.

- Năm, Năm, dậy đi con! Chuyện gì mà khóc dữ??

Nó mở mắt choàng dậy, mặt mày ướt đẫm. Hóa ra là… nằm mơ!

Không trả lời mẹ, nó phóng vội xuống giường chạy thẳng ra hiên chỗ treo chim. Kia rồi, mấy chiếc lồng vẫn nguyên; lũ chim đang hân hoan nghển cổ vươn mình ríu rít đón bình minh. Tiếng “huýt huýt” của con chào mào hòa trong tiếng “chích chòe choẹt” xen ngang của con chích chòe lửa lanh chanh.

Và kìa, chàng Tổng quản dấu yêu của nó vẫn đang đường bệ rỉa lông trong chiếc lồng to đẹp dành riêng. Thấy mặt ông chủ nó nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt tròn xoe; sau đó xù lông vươn cổ thả một tràng “cúc cù cu” trầm hùng như chào đón. Nhìn bầy chim yên lành tươi vui trong nắng sớm, tự nhiên nó thấy lòng vui như Tết…

Mà… ơ, hôm nay đúng mùng 3 Tết, “như” gì nữa hả trời?

Bài liên quan
Truyện ngắn: Bến sông vẫn đợi
Không biết gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông từ bao giờ, chỉ biết rằng tôi sinh ra trên một con thuyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Ríu rít mùa Xuân…