Truyện ngắn: Thầy chủ nhiệm

17/01/2024, 06:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chỉ còn vài năm nữa, thầy Nhân sẽ nghỉ hưu, con đường quen thuộc thầy vẫn cần mẫn đi, về sớm hôm, sẽ trôi vào kỷ niệm...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tuần trước, bố mẹ Nga đến xin phép cho nó nghỉ để sang Hà Nội điều trị. Thỉnh thoảng, Nga vẫn có những đợt điều trị dài như thế. Gia đình Nga chưa bao giờ từ bỏ ý định chữa chạy cho con. Hôm Nga đi, nó níu tay thầy Nhân: “Em sẽ về”. Câu nói ấy khiến cả thầy và bố mẹ nó đều bất ngờ. Bởi từ khi bị bệnh, Nga chưa bao giờ chủ động nói với ai. Nó chỉ miễn cưỡng trả lời khi được hỏi, còn thì luôn im lặng với tất cả.

Hai tuần Nga nghỉ học, lớp học có vẻ yên tĩnh hẳn. Thằng Dũng xấc nấc nói oang oang trước lớp:

- Cái Nga hâm nó nghỉ, lớp mình buồn hẳn chúng mày nhỉ?

Đúng lúc đó thầy Nhân bước vào. Thầy nghiêm giọng gọi thằng Dũng lên chấn chỉnh: “Em tuyệt đối không được gọi bạn như vậy. Bạn Nga gặp áp lực học tập nên bị rối loạn tâm lý, rất cần chúng ta cảm thông và hòa đồng. Thầy nghĩ, bạn Nga vì áp lực nên thu mình lại trong vô thức. Đây là bệnh về mặt tâm lý, có thể điều trị kết hợp nhiều cách, thầy không phải là bác sĩ nên không rõ, nhưng thầy biết chắc chắn một điều, nếu chúng ta cảm thông, đối xử với bạn bằng sự chân thành thì bệnh của bạn sẽ mau khỏi”. Nghe thầy nói vậy thằng Dũng chỉ biết lý nhí:

- Vâng thưa thầy. Em hiểu rồi ạ.

Trời đã sang Đông, lòng người man mác, mỗi khi bước vào lớp, thầy Nhân có cảm giác trống trải. Từ hôm trò Nga nghỉ, thầy Nhân vẫn hay nhìn về phía bàn nơi nó ngồi.

Hôm nay, chỗ đó không còn trống nữa, cái Nga đã trở về. Nó đi lâu hơn dự kiến, nhưng dù sao nó đã quay lại lớp học sau mấy tuần điều trị. Hôm nay, bác bảo vệ cũng không phải gọi thầy Nhân ra đưa nó vào nữa. Nga đã ngồi yên trong lớp, nó bình thản nhìn thầy, ánh mắt trong chứ không vô hồn.

Thầy Nhân thấy vui, đó là tín hiệu cho thấy Nga đã ổn định hơn. Thầy nhận ra không còn nét căng thẳng, lo lắng đến kích động trên khuôn mặt của Nga. Nét mặt ấy nhẹ nhõm dù chưa hẳn hồn nhiên. Thầy Nhân thấy sự cố gắng của mình, sự chia sẻ của các giáo viên bộ môn và của cả lớp đã đem lại hiệu quả.

Mẹ Nga bảo lần ra điều trị này, bác sĩ nói gia đình đi đúng hướng, phản ứng của Nga đã ổn định hơn nhiều, mọi thứ đang hồi phục rất tích cực.

- Thầy ơi.

Thầy Nhân đang loay hoay dắt chiếc xe máy ra về thì nghe tiếng gọi. Thầy ngoảnh lại: “Nga ư!” “Nga chủ động gọi thầy ư!”. Thầy Nhân hơi bất ngờ nhưng vẫn ôn tồn hỏi:

- Nga chưa về hả em? Có chuyện gì thế?

- Dạ không. Nga ngập ngừng một lúc rồi nói:

- Em cảm ơn thầy ạ.

“Ồ, mình có nghe nhầm không nhỉ!”, Thầy Nhân nghĩ thầm. Trong tích tắc, tâm trạng của thầy đi từ ngạc nhiên, bất ngờ, rồi vui mừng, sung sướng: “Nga hồi phục thật rồi, Nga khỏe rồi”. Nghĩ vậy nhưng thầy cố giữ vẻ bình thản để nghe cô trò nhỏ.

- Em cảm ơn thầy đã vất vả vì em trong gần một học kỳ qua. Thầy ơi, áp lực học tập năm cuối cấp hai với em lớn quá thầy ạ. Em sợ những tiếng chì chiết, quát tháo của bố mẹ. Em sợ ánh mắt của cô đội tuyển khi em không làm tốt bài. Em luôn phải gồng mình để lao vào học cho các kỳ thi. Em không có thời gian chơi, đến ăn cũng phải vội.

Rồi hôm em biết mình không được giải trong kỳ thi cấp tỉnh thì em hoảng loạn, em sợ bố mẹ, sợ lời trách móc của cô, sợ sự chế giễu của bạn bè. Em càng nghĩ càng căng thẳng, càng đau đầu và rồi đầu em rỗng rễnh, mông lung. Em không biết mình tỉnh hay mê, em không biết mình làm gì, em không làm chủ được hành vi.

Thầy Nhân vẫn chăm chú nghe từng lời của cô trò nhỏ, thầy đưa tay vỗ vỗ vai Nga như muốn an ủi: “thầy hiểu mà”.

Nga vẫn tiếp tục:

- Em muốn ra công viên để được hít thở, để không phải trông thấy bài vở, không phải gồng mình vì những con số. Tất cả điều này, em đều làm trong vô thức. Và kỳ lạ trong vô thức, em luôn thấy hình ảnh thầy. Em như nghe thấy thầy an ủi: “Không sao đâu em, không cần trốn nữa, về lớp học với thầy nào”.

Thầy Nhân vội ngoảnh đi chỗ khác, tránh để Nga thấy thầy xúc động. Nga đâu biết mỗi lần đến đưa Nga quay lại lớp học, thầy đều nói câu ấy. Giọng Nga vẫn đều đều.

- Em sẽ không ra công viên nữa. Bác sĩ tư vấn cho em nhiều và bảo em không được trốn chạy, phải đối mặt và học cách phản bác những gì không phù hợp với mình thầy ạ. À thầy biết không, bạn Dũng không gọi em là Nga hâm nữa đâu. Em hòa nhập được với lớp rồi phải không thầy?

- Ừ, em hòa nhập rồi, em khỏe thật rồi. Thầy Nhân nắm chặt hai bàn tay Nga, giọng rưng rưng, vui sướng.

Nga nhoẻn miệng cười rất tươi, trên khuôn mặt nó không hề thấy dấu hiệu của một bệnh nhân từng bị trầm cảm.

Trên đường về, nắng trải dài, dù có chút hanh hao nhưng nó lại đem đến sự ấm áp. Chỉ còn vài năm nữa, thầy Nhân sẽ nghỉ hưu, con đường quen thuộc thầy vẫn cần mẫn đi, về sớm hôm, sẽ trôi vào kỷ niệm. Trong những ngăn kỷ niệm về cuộc đời giáo viên của thầy, chắc chắn không thể thiếu hình ảnh Nga, cô học trò nhỏ, non nớt, đáng thương nhưng cũng rất kiên cường, mạnh mẽ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-chu-nhiem-post668571.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-chu-nhiem-post668571.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Thầy chủ nhiệm