Từ lúc nhận ra mình cần thay đổi, quyết tâm thay đổi để tốt lên, Vinh càng biết ơn thầy và càng trân trọng quãng thời gian quý giá...
Ngồi dưới bóng râm của cây hồng bì trong vườn nhà, dừng lại ở trang đề cương Sử đang học dở, Vinh ngắm nhìn những bông hoa xuyến chi đung đưa giữa cái nắng chói chang ngày Hè. Bỗng cậu nhớ đến lời thầy Nguyên chủ nhiệm: “Chúng ta có thể thay đổi nếu quyết tâm”.
Từ lúc nhận ra mình cần thay đổi, quyết tâm thay đổi để tốt lên, Vinh càng biết ơn thầy và càng trân trọng quãng thời gian quý giá trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang cận kề.
Vinh là con trai duy nhất của vợ chồng anh Phan, chị Thủy ở thôn Thượng. Anh Phan không có nghề nghiệp ổn định, nay phụ hồ, mai bốc vác. Chị Thủy thì vừa làm ruộng, vừa nuôi thêm bầy gà, trồng vài luống rau, cùng chồng trang trải, toan lo cho cuộc sống, lo cho con trai ăn học nên người.
Gần cả chục năm sau khi lấy nhau, tốn biết bao thuốc thang, tiền của, chạy vạy khắp trong Nam, ngoài Bắc, vợ chồng anh Phan những mong có được mụn con cho vui cửa, vui nhà nhưng mãi trông lại càng vô vọng. Đang lúc nghĩ đến việc sẽ xin mụn con về nuôi thì điều kì diệu bất ngờ cũng tới. Chị Thủy có thai.
Nghe tin vợ anh Phan sinh được thằng con trai, họ hàng, làng xóm rủ nhau đến vui vẻ chúc mừng. Phải nói, anh Phan là người hạnh phúc nhất. Anh bộc bạch với xóm giềng trong niềm vui bất tận, rằng, con cái là trời cho, có con như có được lộc trời, như được món quà vô giá. Thế nên vợ chồng anh sẽ yêu thương và làm tất cả điều tốt đẹp nhất cho con.
Từ khi sinh ra, Vinh đã được nâng như nâng trứng. Câu cửa miệng mà xóm giềng gọi Vinh chính là “Con trời, con Phật”. Vinh được sự bao bọc của ba mẹ, dần lớn lên, ngoan hiền, chăm chỉ và học giỏi. Ai cũng mừng cho vợ chồng anh Phan chị Thủy. Thế nhưng, sự việc xảy đến sau đó khiến mọi người ngỡ ngàng.
- Thằng Vinh đâu! Ra đây mau!
Tiếng ồn ào từ ngoài ngõ vọng vào, ban đầu còn loáng thoáng, sau rõ mồn một. Chị Thủy đang cắm cúi làm cỏ cho luống rau xanh sau vườn, nghe ồn ào liền bỏ cuốc, chạy vào xem sự thể thế nào. Chị sững người khi thấy 5, 6 thanh niên chừng 18, 20 tuổi, đầu nhuộm xanh, đỏ, mình mẩy xăm trổ, tay cầm gậy gỗ, vẻ dữ dằn hùng hổ đứng giữa sân hò hét lớn tiếng. Chị Thủy bình tĩnh hỏi:
- Các cậu tìm ai? Hình như các cậu tìm nhầm nhà thì phải…! Không để chị Thủy nói hết câu, một thanh niên cao to, vạm vỡ, nghiêm mặt hỏi:
- Cô cho chúng tôi hỏi, đây là nhà của thằng Vinh phải không?
- Đúng rồi… Đây là nhà của Vinh. Nhưng mà…
- Thằng Vinh nhà cô đang học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phải không? Nó vay nợ chúng tôi. Hôm nay đến hạn phải trả mà không thấy nên chúng tôi đến đây đòi nợ.
- Thằng Vinh nhà tôi vay nợ… Nợ gì? Các cậu nói gì, tôi không hiểu.
- Đây, cô xem đi! Chị Thủy nhận lấy tờ giấy do cậu thanh niên lực lưỡng đứng đối diện đưa tận tay. Chị đọc từ dòng chữ đầu tiên “Giấy vay nợ” đến số tiền “2 triệu” rồi dòng chữ cuối cùng “Kí tên: Nguyễn Văn Vinh”. Rõ ràng là con trai chị, bởi nét chữ của con, chính chị đã cầm tay dạy cho nó tập viết từ khi còn nhỏ, dù có lạc giữa trăm ngàn nét chữ khác, chị vẫn nhận ra.
Chị Thủy suy sụp tinh thần, loạng choạng rồi ngồi sụp xuống sân, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài. Chị không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi cậu thanh niên kia dõng dạc kể cho chị nghe lí do Vinh vay nợ 2 triệu. Chị Thủy nghe xong, chột dạ, không thể tin đó là sự thật.
Chị Thủy không biết lấy đâu ra số tiền 2 triệu để trả nợ cho con, cũng không biết phải nói với mấy cậu thanh niên kia thế nào, bởi trong nhà chị lúc này chẳng có lấy một đồng bạc cắc. Bao nhiêu vốn liếng dụm dành từ tiền bán lợn, bán gà, đều dùng để chữa bệnh cho anh Phan, chồng chị bị gai cột sống mấy tháng nay. Lại thêm tiền học của Vinh trên Trung tâm vừa mới nộp hôm đầu tuần.
- Giờ cô tính thế nào về món nợ này! Vẫn là cậu thanh niên lực lưỡng kia cất giọng gằn.
- Các cậu thư thư cho gia đình tôi ít hôm. Có gì vợ chồng tôi sẽ xoay xở. Chứ hiện tại, trong nhà chúng tôi không có một đồng.
Thấy chị Thủy mặt mũi tái ngắt, lại có vẻ thành thật, cậu thanh niên kia lên tiếng:
- Được rồi. Chúng tôi sẽ cho gia đình cô ba ngày để chuẩn bị. Nếu hết hạn mà không có trả, số tiền 2 triệu sẽ được nhân lên gấp đôi, gấp ba. Lúc đó thì đừng có trách.
- Đội ơn các cậu. Đội ơn các cậu rất nhiều. Chị Thủy cúi gập người, chờ bóng lưng mấy thanh niên đòi nợ lên xe máy, rồ ga, phóng đi rồi mới thẫn thờ vực dậy, bơ phờ. Chị khóc sụt sùi. Cùng lúc ấy, anh Phan cũng vừa đi công chuyện ở ngoài về, giọng hớt hơ hớt hải:
- Mình này! Thầy chủ nhiệm của thằng Vinh gọi báo, nó đánh bạn bị thương phải nhập viện. Giờ lãnh đạo Trung tâm mời mình lên làm việc gấp. Chị Thủy rũ rượi nhìn chồng, cổ họng không thốt nên lời mà nước mắt cứ thế chảy ròng.
Anh Phan thấy vợ thất thần, sốt sắng hỏi chuyện. Nghe xong, anh cũng thấy choáng váng, xây xẩm. Anh cứ nghĩ con trai đã thay đổi tính nết sau sự việc xảy ra hồi cấp 2. Ai ngờ…
Hồi thằng Vinh đang học cấp 2, chỉ vì nghe lời dụ dỗ của bạn bè nên đã tập tành hút thuốc lá khiến vợ chồng anh Phan phải nhiều lần được nhà trường mời lên làm việc. Rồi cuối năm học lớp 9, Vinh lại theo bạn bè chơi game, bỏ học. Từ học sinh giỏi, Vinh tụt xuống học sinh yếu và không đủ điều kiện xét vào học trường công lập. Vì không muốn con đứt quãng chuyện học hành, chị Thủy đã bàn với chồng, khuyên con tiếp tục theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện.
Kể từ đó, Vinh thay đổi và chuyên tâm vào việc học. Kết quả học tập của cậu ở Trung tâm hai năm liền tốt lên trông thấy khiến vợ chồng anh Phan cũng phần nào an tâm về con. Nhưng rồi…
Vợ chồng anh Phan, chị Thủy dáo dác đi tìm con trai khắp trong làng, ngoài xã. Đã hai ngày trôi qua, chuyện thằng Vinh đánh bạn, bỏ học, bỏ nhà đi, cả làng trên xóm dưới đều tỏ. Vừa đi tìm con, chị Thủy vừa phải lo thuốc thang, thăm hỏi người bạn bị thương đang nằm viện. Anh Phan dẫu bệnh gai cột sống chưa hoàn toàn khỏi hẳn, cũng phải xin đi làm lại để kiếm tiền trả nợ cho con. Tình cảnh gia đình anh Phan, chị Thủy lúc này khiến chòm xóm trông vào đều thương cảm.
Sau mấy ngày vật vờ ngoài đường, Vinh nhận ra, chẳng có nơi nào tốt cho bằng nhà mình, bằng gia đình và bố mẹ mình. Chiều hôm qua, Vinh nhớ bố mẹ nên đã về nhà, thế nhưng cậu chỉ dám đứng bên ngoài hàng rào nhìn vào. Trưa nay, khi đang thất thểu đi trên phố, cậu bắt gặp bố đang gồng mình đẩy xe gạch ở công trình bên đường, lưng bố đầm đìa mồ hôi, khuôn mặt mỏi mệt, ủ rũ. Vinh đứng từ xa nhìn bố, trong lòng ăn năn, hối hận ngập tràn.
Vinh nằm co ro dưới gốc xà cừ bên đường rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy đã thấy thầy Nguyên ngồi bên cạnh khiến cậu giật mình. Thì ra, mấy bữa nay, ngoài giờ lên lớp, thầy vẫn chạy xe đi tìm Vinh khắp nơi. Sau khi hỏi thăm nhiều người trên phố, thầy mới tìm được Vinh.
Thầy Nguyên dẫn Vinh đi ăn một bữa thật no. Hai thầy trò nói chuyện với nhau chân thành và thẳng thắn. Thầy nhắc lại ước mơ Vinh đã từng nói với thầy khi bắt đầu bước chân vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, rằng: “Em muốn sau này trở thành người có ích, sẽ không khiến bố mẹ phải buồn phiền nữa”.
Thầy cũng nhắc lại câu chuyện Vinh đã chia sẻ với thầy về việc bố mẹ cậu đã khó khăn thế nào mới sinh được cậu và nuôi lớn đến từng này. Những điều thầy nói khiến Vinh nhận ra mình thực sự là đứa con tệ bạc, bất hiếu, vô trách nhiệm. Vinh ôm mặt khóc.
Thầy Nguyên động viên Vinh về nhà bởi mấy bữa nay không thấy cậu về, bố mẹ cậu lo lắng mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vinh biết mình đã phụ lòng thầy cô, phụ lòng bố mẹ; đã làm ảnh hưởng đến Trung tâm, đến mọi người. Nhưng sau những lỗi lầm gây ra, Vinh không dám chắc mọi người có tha thứ cho cậu hay không. Thầy Nguyên hiểu suy nghĩ của Vinh nên bảo:
- Quan trọng là em biết nhận lỗi, em dám thay đổi để tốt lên.
Thầy Nguyên vỗ vai Vinh, giọng chắc nịch, ánh mắt thầy nhìn cậu đầy hi vọng và tin tưởng.
- Em… Em cảm ơn thầy.
Vinh về nhà trước sự bất ngờ của bố mẹ. Anh Phan thấy con trai về thì vui lắm nhưng vẫn ngồi lặng im, vẻ mặt đăm chiêu. Chị Thủy thấy con trai về thì bước thấp bước cao chạy ra, nước mắt ngắn dài, ôm chầm lấy, nhìn từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu, nắn tay nắn chân xem có làm sao không.
Vinh bước vào nhà, vừa khóc vừa nói lời xin lỗi bố mẹ. Cậu hứa từ nay trở về sau sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm như thế nữa và xin chấp nhận mọi hình thức kiểm điểm, kỷ luật của Trung tâm, của thầy cô.
Chuyện bắt đầu từ cái nhìn của cậu bạn cùng khối dành cho Vinh. Lẽ ra, Vinh đã bỏ qua và cả hai xem như bình thường sau câu xin lỗi. Thế nhưng, đám bạn của Vinh khi nghe cậu kể sự việc đó lại tức tối, muốn gặp cậu bạn kia để tính sổ. Vinh ngăn lại. Nhưng lời qua tiếng lại khích bác của bạn bè một lần nữa khiến Vinh khó chịu.
Vinh nghe lời xúi giục của đám bạn: Chỉ cần một khoản tiền nho nhỏ, sẽ có người giúp Vinh xử lí êm đẹp khiến cậu bạn kia biết thế nào là lễ độ. Vinh nghĩ đơn giản nên ậm ờ đồng ý. Vinh nghĩ cậu bạn kia chắc cũng chỉ bị dọa cho một trận xanh mắt, ai dè… Vinh mới chính là người xanh mắt khi chứng kiến cảnh cậu bạn kia bị đám thanh niên xăm trổ mình mẩy lao vào đấm đá túi bụi. Thấy cảnh cậu bạn kia bị đánh đến sứt đầu mẻ trán, máu me loang lổ, cộng thêm số tiền họ đòi lên tới 2 triệu khiến Vinh sợ hãi chọn cách bỏ trốn. Chị Thủy thay chồng, ân cần nói với con trai:
- Con về nhà là bố mẹ yên tâm rồi. Chiều nay, bố mẹ sẽ cùng con đến nhà xin lỗi gia đình bạn bị đánh sau đó đến xin Trung tâm gặp ban giám đốc cùng thầy chủ nhiệm. Bố mẹ hi vọng, từ nay con sẽ thực sự thay đổi.
- Con… con xin lỗi bố mẹ. Con sẽ xin chịu mọi hình thức kỉ luật, khiển trách từ thầy cô. Con xin hứa sẽ không bao giờ làm bố mẹ phải buồn vì con nữa. Con hứa.
“Đừng nói mà hãy làm. Đừng huyên thuyên mà hãy hành động. Đừng hứa mà hãy chứng minh”. Vinh lấy câu nói ý nghĩa đã được đọc trên báo làm phương châm sống cho mình, luôn nhắc nhở chính mình.
Còn mấy ngày nữa, Vinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cậu đã và đang nỗ lực học ôn để đạt kết quả tốt nhất, để xứng đáng với sự tin yêu của thầy cô, của bố mẹ. Và quan trọng hơn, cậu muốn hiện thực hóa ước mơ của chính mình trong tương lai: Trở thành người có ích.