Bên cạnh đó, bơi là môn đặc thù hoạt động trong môi trường nước nên không thể xếp thời khóa biểu 1 tiết học, sau đó học sinh tiếp tục vào lớp học. Chưa nói, công tác bảo đảm an toàn phải đặt nên hàng đầu, nên Ban giám hiệu các trường có bể bơi rất ngại mở cửa hoạt động bể bơi.
Còn theo đại diện Sở GD& ĐT TP.HCM, các cơ sở giáo dục có bể bơi trong nhà trường phát triển về số lượng, nhưng còn quá ít so với quy mô và nhu cầu học tập, hoạt động thể thao ngoại khóa của học sinh trên địa bàn. Và thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động hồ bơi bảo đảm an toàn. Kinh phí vận hành một hồ bơi tương đối cao, là một khó khăn để cơ sở giáo dục bố trí, vận hành hồ bơi trong trường học…
Tham gia triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh, thành phố, ThS. Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ, Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu kiến nghị, cần có quy chuẩn và tài liệu thống nhất về việc giảng dạy bơi an toàn; hướng dẫn bảo đảm phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh trong quá trình trước, trong và sau khi học. Bên cạnh đó, thúc đẩy giảng dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước, lồng ghép giảng dạy vào môn học chính thức và giờ học ngoại khóa tại các cấp học, ưu tiên cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Và đề xuất, trong khi chờ hoàn thiện chính sách và cơ chế linh hoạt nhằm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, khai thác hết công suất bể bơi, có thể phối hợp với các tổ chức tư nhân triển khai dạy bơi an toàn trong những tháng hè khi học sinh nghỉ học.
Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần thực hiện thường xuyên, không chỉ cao điểm trong những tháng hè…
Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Bộ VHTT&DL, Nguyễn Hồng Minh cho rằng, trong điều kiện hiện nay, yêu cầu phổ cập bơi cho học sinh là điều bất khả thi, vì hạn chế về nguồn giáo viên, cơ sở vật chất (mới chỉ có 8,63% nhà trường có bể bơi) và kinh phí.
Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần xác định rõ học bơi an toàn, phòng chống đuối nước là kỹ năng sống hay giáo dục thể chất, sau đó có giải pháp phù hợp.
Ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, đề nghị xác định rõ nhiệm vụ của cơ sở giáo dục nói riêng và toàn ngành giáo dục trong dạy bơi an toàn; xác định rõ phạm vi, nội hàm, tiêu chí đánh giá phòng chống đuối nước trong trường học, có cơ chế và chế độ chính sách tổ chức dạy bơi trong trường học. Việc tổ chức dạy bơi trong trường học cần được đặt trong chính sách tổng thể phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
“Phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước là trách nhiệm không thể chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được”, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Thể chất, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cũng cho rằng: Chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường cần có các hoạt động để các em thấy sự nguy hiểm của môi trường nước, có kỹ năng phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh tại trường học giai đoạn 2025 - 2030./.