Tự chủ đại học cần hành lang pháp lý rõ ràng

20/06/2023, 12:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường đại học công lập  có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu được tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc...

“Trên góc độ lý thuyết, giáo dục là lĩnh vực đầu tư lí tưởng vì có sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ thông qua môi trường và cơ chế thuận lợi. Nhưng thực tế, vẫn có sự lo ngại về việc tham gia của tư nhân trong lĩnh vực giáo dục sẽ làm ảnh hưởng vai trò của Nhà nước và có thể dẫn tới xu hướng thương mại hóa giáo dục. Vì vậy, sự tham gia của tư nhân vào hợp tác PPP chủ yếu là doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ”, TS Trần Đình Lý cho biết.

TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, hình thức PPP chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, vì chứa nhiều thách thức, rủi ro theo đặc thù của ngành.

Ông cũng lưu ý, khi tư nhân tham gia vào bất kỳ dự án nào họ cần đảm bảo về lợi nhuận đồng thời phải có sự giám sát, chính sách phù hợp theo từng thời điểm. Bởi lẽ thương mại hóa giáo dục có thể làm gia tăng tính bất bình đẳng trong xã hội, dẫn tới tăng khoảng cách giàu nghèo, ảnh hưởng tới quyền được tiếp cận an sinh xã hội của một bộ phận người dân.

Vậy làm sao để “thoát” khỏi những vấn đề sử dụng tài sản công? “Phải gỡ luật trước! Những khó của chính sách đầu tư cho giáo dục đại học công lập hầu như đều có nguồn từ vấn đề liên quan đến đất đai. Nhưng trong khi chờ gỡ, chúng ta phải “mở” hơn nữa, để các trường đại học linh động khai thác, liên kết tài sản công (ngoài đất) để tận dụng nguồn lực và tăng nguồn thu…”, TS Trần Đình Lý phân tích.

Để có sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục, TS Trần Đình Lý cho rằng nếu những quy định chưa sát với thực tiễn cần mạnh dạn sửa đổi. Ông dẫn ra ví dụ về Nghị định 127/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sau một năm áp dụng, trong số khoảng 300 các trường đại học và cao đẳng đã có tới gần 100 trường bị xử phạt.

“Tôi đã từng ủng hộ việc giáo dục càng tự chủ càng tăng cường thanh kiểm tra để tránh lạm dụng, bất cập. Tôi cũng đồng ý với nhận định mức phạt quá thấp không đủ sức răn đe. Nhưng khi chứng kiến các con số từ kết quả thanh/kiểm tra cơ sở giáo dục thì thấy việc cần làm là hành lang pháp lý, nghị định còn xa rời thực tiễn. Có tới 1/3 cơ sở vi phạm thì chắc chắn cần xem xét lại quy, nghị định!”, TS Trần Đình Lý nói.

Ở một góc độ khác liên quan đến đầu tư vào đại học công lập, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng các trường đại học công lập có nhiều thuận lợi về chính sách đầu tư hơn so với trước kia. Những người lãnh đạo trường đại học phải có trí tuệ để đưa ra định hướng, chiến lược, như thuyền trưởng một con tàu.

“Những khó khăn mà các trường đưa ra như ngưỡng đầu tư PPP tối thiểu là 100 tỷ trong lĩnh vực giáo dục có thể là tương đối cao nhưng với thời giá hiện nay cũng phù hợp. Điều quan trọng là hệ thống trường đại học công lập đang có nhiều thuận lợi so với trường tư, nhất là với chất lượng đầu vào rất tốt. Hiệu trưởng và hội đồng trường phải tìm ra chiến lược phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Vấn đề đầu tư vào con người chưa bao giờ mới. Tại tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14”, PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, chính sách thu hút nhân tài chưa đạt được như mong muốn khi trong 5 năm thí điểm chính sách này, đã có 14/19 nhà khoa học làm việc tại TP rời đi và trong 3 năm, chưa tuyển thêm được chuyên gia nào.

Lãnh đạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh băn khoăn: “Cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa? Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút người tài có phải là cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn?”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tu-chu-dai-hoc-can-hanh-lang-phap-ly-ro-rang-post643507.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tu-chu-dai-hoc-can-hanh-lang-phap-ly-ro-rang-post643507.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự chủ đại học cần hành lang pháp lý rõ ràng