Khi quá trình chuyển đổi số đã đạt tới một mức độ nhất định, rất nhiều nghề mà hiện nay đang cần nhiều nhân lực sẽ giảm dần về số lượng đào tạo.
Cơ hội xây dựng lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã bị bỏ qua
Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã trải qua những giai đoạn chuyển đổi về cơ quan chủ quản, và mỗi lần chuyển đổi là một lần thay đổi chính sách phát triển và cơ chế quản lý. Hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá những thay đổi về tổ chức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và cũng chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào về sự chuyển đổi cơ quan chủ quản trước khi ra quyết định; công việc này chỉ phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý.
Trong 70 năm (1955-2025) tồn tại và hoạt động, giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển giao giữa các cơ quan chủ quản như sau:
- 1955-1969: Bộ Lao động quản lý (Vụ quản lý nhân công).
- 1969-1978: Bộ Lao động quản lý (Tổng cục dạy nghề).
- 1978-1987: Hội đồng Bộ trưởng quản lý (Tổng cục dạy nghề).
- 1987-1990: Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề quản lý (Vụ Đào tạo nghề).
- 1990-1998: Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề).
- 1998- 7/2017: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý ( Tổng cục giáo dục nghề nghiệp).
- 8/2017 - 2/2025: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp).
- 3/2025: Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (Cục giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên).
Như vậy, cứ 8,7 năm, giáo dục nghề nghiệp lại được thay tên và tất nhiên, nội dung, phương pháp, quy định về cơ cấu, chức năng, phương thức quản lý của hệ thống này lại thay đổi. Một sự thay đổi quá nhanh như thế không thể gọi là đổi mới hay cải cách bởi trạng thái bất định kiểu này không thể nào có một chiến lược phát triển có hiệu quả bền vững.
Không ít chuyên gia giáo dục có nhận xét rằng, nhiều năm qua, giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đang tồn tại một khoảng cách, chưa có giải pháp nào khắc phục hoặc thu hẹp sự gián đoạn (Gap), trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước rất muốn các hệ thống giáo dục kết nối, liên thông với nhau, thành một hệ thống thống nhất.
Năm 1986, UNESCO có một tuyên bố 14 điểm về giáo dục thường xuyên, trong đó, tại điểm 4, có nội dung như sau:
“Xóa bỏ hàng rào giả tạo và lỗi thời giữa các ngành giáo dục và các cấp, bậc giáo dục, giữa giáo dục chính quy với không chính quy, xóa bỏ sự cách biệt cứng nhắc giữa giáo dục phổ thông, giáo dục khoa học kỹ thuật và chuyên nghiệp. Ngay từ cấp sơ học, giáo dục đã mang tính kết hợp giữa lý thuyết với công nghệ, với thực hành thủ công”.
Giáo dục nghề nghiệp của chúng ta đã không bám sát yêu cầu kết nối và liên thông với các ngành giáo dục trong nước, và cũng bỏ qua thông điệp nói trên của UNESCO. Chúng ta không phê phán người chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục nghề nghiệp, mà chỉ muốn khẳng định rằng, cần phải có một cách nghĩ, cách làm sáng tạo mới mong phục hưng được giáo dục nghề nghiệp để nó đủ sức thực hiện sự đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như Nghị quyết 57-NQ/TW (22/12/2024) đã nêu ra.
Tiếc rằng, sự mong mỏi ấy đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng ngay khi Tổng cục giáo dục nghề nghiệp được trao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, và ngay từ đầu, nó được gắn kết với giáo dục thường xuyên, mà dưới con mắt một số chuyên gia, thì đây là một cặp đôi “đồng sàng dị mộng”.
Bản thân giáo dục thường xuyên đến giờ phút này vẫn chưa thể tuyên bố sứ mệnh của mình, bởi vẫn loay hoay tổ chức học cho đám học sinh chưa có bằng tốt nghiệp lớp 12 do những nguyên nhân khác nhau để các em có đủ điều kiện dự thi tuyển vào đại học. Danh nghĩa là “Giáo dục thường xuyên”, nhưng hoạt động là “Bổ túc văn hóa”, đối tượng là thanh niên cần có cơ hội trúng tuyển đại học khi chưa tốt nghiệp lớp 12, và thực chất là cái phao cứu sinh cho bọn trẻ đang muốn cập bến đại học.
Giờ đây, người làm giáo dục nghề nghiệp gánh thêm giáo dục thường xuyên, trong khi các xu thế mới trong phát triển giáo dục nghề nghiệp của thế giới hiện đại đã cảnh báo rằng, giáo dục ở Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là vấn đề không đem lại sự lạc quan ở những người đang muốn giáo dục nghề nghiệp tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trong toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần đưa nền kinh tế đạt tới tầm cao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xu hướng đại hóa một số lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay
Theo những Dự báo về nhân lực cần đào tạo, nhiều ngành sau đây sẽ đào tạo lao động của mình ở bậc đại học ngày càng nhiều. Nhu cầu phát triển ngành nghề đào tạo đại học thay đổi và ngày càng đa dạng.
Lao động ở những ngành sau đây đang thể hiện rõ nét về xu hướng trên: Khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, an toàn thông tin, an ninh mạng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ cơ khí - tự động hóa, Điện - Điện tử, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nông - lâm - ngư, kiến trúc, xây dựng, môi trường, mỹ thuật ứng dụng, kinh tế - thương mại, du lịch - lữ hành, Nhà hàng - khách sạn, Y, Dược, Chăm sóc sức khỏe, Chăm sóc sắc đẹp, Sư phạm, Tâm lý - xã hội...
Người công nhân đứng máy, điều khiển xe tải, lái xe tắc xi, kế toán, tiếp viên, lễ tân... sẽ vắng bóng dần. Trong những nhà máy tự động hóa sử dụng công nghệ cao, có khi một phân xưởng trước đây cần tới dăm ba chục người thì hiện nay số lượng ấy chỉ là một vài nhân viên kỹ thuật. Khái niệm “Công nhân” sẽ mờ dần và có thể sẽ thay thế bằng thuật ngữ “lao động tri thức” (knowledge workers).
Một số nghề mới sẽ xuất hiện ở Việt Nam với yêu cầu nhân lực đào tạo chủ yếu ở các trường đại học
Theo một nguồn dự báo, ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh nguồn nhân lực sau: Chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI Specialist); Chuyên gia phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analyst); Chuyên gia Blockchain (Blockchaine Specialist); Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng (UX/UI Designer); Kỹ sư an ninh mạng (Cyber Security Specialist); Chuyên gia tiếp thị số (Digital marketing Specialist); Kỹ sư môi trường và năng lượng tái tạo (Environmental and Renewable energy Engineer); Chuyên gia sáng tạo nội dung (Content Creator).
Các khóa học ở trường đại học sẽ cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành hay xuyên ngành và kiến thức chuyên sâu. Đi vào chuyên môn, họ sẽ được trang bị những kỹ năng về kỹ thuật (Technical Skills), những kỹ năng mềm (Soft skills) và kỹ năng bổ trợ (Subsidize skills) để có thể hành nghề có hiệu quả và chất lượng mong muốn.
Khi quá trình chuyển đổi số đã đạt tới một mức độ nhất định, rất nhiều nghề mà hiện nay đang cần nhiều nhân lực sẽ giảm dần về số lượng đào tạo. Những nghề trong top này là giáo viên, chăm sóc khách hàng, bác sĩ, dược sĩ, kiểm toán, kế toán, bảo vệ, cảnh sát, nhân viên lễ tân tại khách sạn, nhân viên thu ngân v.v...
Muốn có vị trí trong guồng máy sản xuất khi nghề trong tay bị xóa sổ, người ta phải học tập để trở thành một chuyên gia của một lĩnh vực khác (mà phải đào tạo ở bậc đại học bởi những nghề mới thường không dùng công nhân, mà là những lao động tri thức). Chẳng bao lâu nữa, tài xế xe Grab, Green taxi... khó có chỗ đứng khi taxi không người lái được đưa vào đại trà, nhân viên phục vụ bàn ăn sẽ được thay thế bằng robot thông minh; cán bộ phiên dịch cũng hết chỗ đứng bởi điện thoại di động thông minh được cài đặt các app dịch văn bản và ngôn ngữ nói với cả trăm ngoại ngữ khác nhau.
Trong khi các nghề mới chưa xuất hiện, các trường dạy nghề hiện nay thường không nằm trong sự lựa chọn của học sinh trung học. Rất nhiều người nói rằng, học sinh phổ thông hiện nay chỉ khi nào hết cách vào trường đại học mới nghĩ đến trường dạy nghề.
Những thanh niên thuộc thế hệ Z thường có tâm lý chọn những vị trí làm việc không gò bó vào một chỗ ngồi cố định trong 2 ca làm việc/ngày, có việc làm đòi hỏi sáng tạo, giao lưu rộng, thạo ngoại ngữ, kiếm tiền nhẹ nhàng, mạo hiểm khởi nghiệp... Họ không quan tâm cũng như không hứng thú đến hệ thống trường nghề hiện nay, bởi ở đây không có gì đáp ứng nhu cầu, sở thích của tuổi trẻ hiện đại.
Trong khi đó, phương pháp “phân luồng” học sinh đã gieo vào đầu óc đám thanh niên Gen Z một ấn tượng xấu về trường nghề. Các giáo viên có trách nhiệm phân luồng học sinh thường xếp những học sinh kém về thành tích học tập các môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh... vào trường nghề.
Cách làm này là một thông điệp tai hại: Học kém (theo đánh giá thang điểm 10) sẽ đừng mơ vào đại học, chỉ có trường nghề mới là nơi dành cho học sinh “dốt”. Cha mẹ chúng cũng nghĩ rằng, con mình đã là kẻ “thất bại học đường” và học nghề là nơi cùng sào của đường tiến thân trong sự học. Người ta coi nhẹ (chứ không dám nói là coi thường, coi khinh) giáo dục nghề nghiệp mà vốn nó mang trên vai một sứ mệnh cao cả: Đào tạo người lao động tốt cho quốc gia.
Mặt khác, những học sinh học nghề với tấm bằng Trung cấp nghề sẽ không được tham gia thi tuyển vào trường đại học. Chính sách ấy có khác gì việc nhắn nhủ thanh niên rằng, muốn vào học ở bậc đại học thì cứ phục kích chờ cơ hội, đi học thêm bằng mọi giá để đáp ứng điều kiện tuyển sinh đại học.
Trước bối cảnh ấy, các lớp học dành cho các thanh niên chưa có bằng tốt nghiệp lớp 12 do các trung tâm giáo dục thường xuyên mở ra đã trở thành một lối phân luồng học sinh kiểu mới. Các trường dạy nghề kêu khó tuyển sinh cũng vì lý do này.
Cái sai lầm chết người do quan niệm phân luồng đó là ở chỗ tầm thường hóa lao động công nghiệp, cho rằng trường dạy nghề có thể tuyển người theo kiểu vơ vét đám học sinh không trúng tuyển đại học.
Thực ra, muốn học trường đào tạo công nhân, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực cơ khí, xây dựng, lắp ráp xe máy, ô tô hay máy bay, sản xuất đồ dùng bằng chất liệu gốm, sứ, nhựa, gỗ..., người lao động phải có năng lực kỹ thuật, tư duy kỹ thuật, trí tưởng tượng không gian, những kỹ năng trong các thao tác kỹ thuật và công nghệ, óc thẩm mỹ công nghiệp trong thiết kế sản phẩm. Có như vậy, trường nghề mới cho ra lò những người lao động có tay nghề kỹ thuật vững vàng, có năng lực làm chủ những công nghệ mới trong sản xuất, có lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ AI, Robot thông minh, tự động hóa cao độ quá trình sản xuất đã không chấp nhận trình độ kỹ thuật thấp của người lao động thì điều đó đồng nghĩa với việc không cần đến trường cao đẳng nghề.
Do vậy, hoặc nâng cấp trường cao đẳng nghề thành trường đại học, hoặc xóa sổ trường cao đẳng nghề, chuyển chức năng của nó trong trường đại học cùng ngành. Phương án sau hợp lý hơn, bởi bớt đi được một cơ sở đào tạo mà vẫn đáp ứng được nhu cầu nhân lực của hệ thống sản xuất.
Những lao động do các trường trung cấp nghề đào tạo có thể để doanh nghiệp đảm nhận khi họ còn cần đến loại hình lao động này. Trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra trường đại học của họ, họ vừa đào tạo mới, vừa đào tạo lại nhân sự của chính họ.
Mặt khác, khuyến khích các tư nhân mở các lớp đào tạo những lao động kỹ thuật như nhân viên sửa chữa xe máy, TV, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, thợ sửa đường ống nước, điện dân dụng...
Trong khi đó, các làng nghề, các hợp tác xã... có thể đào tạo nghề sơn mài, gốm, sứ, trồng cây cảnh, một số nghề thủ công mỹ nghệ theo hình thức truyền nghề, kèm cặp học nghề ngay trong việc tham gia làm ra những sản phẩm cụ thể. Loại hình trường trung cấp, sơ cấp nghề sẽ hết vai trò.
Với hệ thống phổ thông 3 cấp (Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), nên xóa bỏ “Cấp học”, để chỉ còn lại hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Học sinh sẽ học liên tục, không có thi lên lớp, thi hết cấp học. Học xong lớp 12, học sinh có chứng chỉ về phổ cập giáo dục phổ thông.
Trường phổ thông cần có chương trình STEAM, học sinh có được một số kiến thức liên ngành và nắm kiến thức phổ thông một cách chắc chắn. Trên cơ sở đó, nhà trường tiến hành hướng nghiệp và khởi nghiệp. Trong quá trình học phổ thông, mọi học sinh cần được trải nghiệm qua các giờ lao động trong doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ v.v...
Nhà trường tự đánh giá trình độ học sinh và cấp chứng chỉ phổ cập giáo dục. Việc học sinh học lên đại học thuộc trách nhiệm tuyển sinh của các trường đại học. Với cơ chế tự chủ, trường đại học chịu trách nhiệm này. Những học sinh không có nhu cầu học thẳng lên đại học thì sẽ theo học các cơ sở đào tạo nghề của doanh nghiệp, hợp tác xã...
Các trường đại học có các khóa học mở cho mọi người. Các khóa đó không đòi hỏi trình độ đầu vào. Ai cũng có thể học các khóa học mở của trường đại học. Việc định hướng văn bằng hay không là tùy người học. Sự nỗ lực cá nhân sẽ quyết định thời gian học tập theo các khóa học.
Học tập suốt đời trong xã hội học tập sẽ mang lại cho bất cứ ai những cơ hội học tập, xóa bỏ mọi rào cản trước những cơ hội đó. Như vậy, ai cũng được bảo đảm sự công bằng trong học tập, và ai cũng được xã hội tạo cho họ bình đẳng trước những điều kiện học, đặc biệt là bình đẳng trong việc học đại học.
Mọi người sẽ có nghề trong tay, chí ít thì ai cũng có một việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân và thỏa mãn nhu cầu phát triển cá nhân mình. Giáo dục đến với mọi người, còn người có đến với giáo dục hay không là do họ quyết định. Có như vậy, thì mới hết cảnh áp đặt ý chí của người này lên người khác khi họ muốn chọn cho mình một nghề yêu thích nhất.