Linh hoạt cách dạy và học
Theo quan điểm của cô Hồ Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), khi dạy lịch sử giáo viên không nên áp đặt, bắt buộc học sinh phải ghi nhớ máy móc ngày, tháng, năm, sự kiện, số quân địch bị ta tiêu diệt là bao nhiêu, trình bày chi tiết, cụ thể các giai đoạn của cuộc kháng chiến, của trận đánh… mà chủ yếu giáo viên phải khích lệ, tôn trọng các chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện của các em.
Bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, ngoài vở mà thầy cô đã cho ghi, miễn là các em có lập luận logic, chặt chẽ và có có sức thuyết phục cao. Chỉ có cách dạy và học như vậy mới hình thành ở học sinh các năng lực cần thiết của học sinh.
Để học sinh có điều kiện tốt nhất trong việc học tập môn Lịch sử, hầu hết cơ sở giáo dục tại Phú Thọ luôn đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất kĩ thuật cho việc dạy học môn Lịch sử như hệ thống loa, máy chiếu hiện đại… Thư viện nhà trường còn có rất nhiều các thể loại sách, truyện lịch sử, tranh ảnh về các sự kiện, nhân vật lịch sử… để học sinh có thể tới đọc và mượn sách, tài liệu, phục vụ cho việc tự học và tự nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa để kỉ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như: chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước 30/4, lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch…; cùng với đó là những cuộc thi với chủ đề lịch sử như: Sân khấu hóa Lịch sử, Rung chuông vàng…
Một phương pháp giáo dục lịch sử đang được các cơ sở giáo dục tại Phú Thọ áp dụng hiệu quả đó là “Du lịch học đường”. Chương trình thăm quan, trải nghiệm thực tế gắn với các điểm du lịch được các cơ sở giáo dục tổ chức với quy mô rộng, nội dung đa dạng, phong phú.
Những hoạt động trải nghiệm, học tập đầy thú vị tại hành trình “Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Quân khu 2 - Miếu Lãi Lèn (nơi phát tích của Hát Xoan Phú Thọ) - Làng cổ Hùng Lô... là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Những hoạt động này được tổ chức thường xuyên để bổ trợ thêm cho các em về lịch sử địa phương, thêm hứng thú học tập.
Em Hoàng Tố Như, học sinh lớp 8C, trường THCS Sa Đéc chia sẻ: “Em thích môn Lịch sử vì nó giúp em hiểu thêm về truyền thống hào hùng của những người đi trước, từ đó nhìn lại bản thân để cố gắng học tập được tốt hơn”.
Tố Như cũng chia sẻ về cách học môn Lịch sử của mình: “Để học tốt môn Lịch sử các bạn có thể lập sơ đồ tư duy với các sự kiện và mốc thời gian tiêu biểu của bài học sẽ giúp ghi nhớ bài nhanh và dễ dàng hơn. Khi cần ôn lại chỉ cần nhìn vào sơ đồ là có thể nắm bắt những kiến thức chính của cả bài.
Ngoài ra, có thể đọc truyện và xem phim lịch sử: để kiến thức "đọng" lại lâu hơn, kết hợp giữa giải trí và học tập. Việc xem phim, đọc truyện liên quan đến kiến thức, sự kiện lịch sử là rất tốt. Bởi khi đó, mình sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, liên tưởng nội dung lịch sử thêm sống động. Lúc này, sự minh họa rõ nét sẽ khiến sự kiện và kiến thức đọng lại lâu hơn, đặc biệt có lợi cho quá trình ghi nhớ.