Còn ThS Lê Minh Huân, nhà sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, chuyên viên tham vấn học đường tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhận định, trong thời gian qua, công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm chú trọng nhưng không thể phủ nhận hoạt động này còn nhiều yếu tố cần cải thiện nhằm đạt mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 – 2025.
Đầu tiên, các trường học cần phân công giáo viên, chuyên viên tư vấn phụ trách phòng tư vấn tâm lý học đường đạt yêu cầu về chuyên môn. Phòng tư vấn cần bố trí ở nơi yên tĩnh, bàn ghế đạt tiêu chuẩn, bài trí khoa học, không gian thân thiện, thoải mái nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật giúp học sinh cảm thấy tự tin, cởi mở và yên tâm khi đến tư vấn. Bởi nhiều học sinh còn tâm lý ngại ngùng khi nhắc hoặc nghĩ tới việc đến phòng tư vấn tâm lý.
Ngoài ra, các quy trình tiếp xúc, tư vấn tâm lý, báo cáo, đánh giá, chuyển đến chuyên khoa khi không đáp ứng chuyên môn cần được thực hiện đúng nguyên tắc hoặc phải tham khảo ý kiến người giám sát, quản lý am hiểu chuyên môn.
Cuối cùng, bên cạnh công tác tư vấn, phòng tư vấn tâm lý cần thực hiện đa dạng hoạt động như báo cáo chuyên đề, tập huấn kỹ năng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các vấn đề tâm lý có thể gặp phải ở học sinh.
Nhấn mạnh vai trò của chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, ThS Lê Minh Huân cho rằng, đó phải là những người được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn. Đơn cử, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường phải tốt nghiệp các chuyên ngành như Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học trường học...
Trong quá trình làm việc, chuyên viên tư vấn cũng không ngừng học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, ban giám hiệu, phụ huynh để nâng cao hiệu quả hỗ trợ học sinh. Đồng thời, nhân viên tư vấn tâm lý học đường cần hiểu rõ và giữ gìn nguyên tắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp khi làm việc.
Ngoài ra, việc tư vấn tâm lý có thể thực hiện đa dạng qua các hình thức như trực tiếp, gián tiếp qua thư, qua radio, kênh truyền thông của trường, giờ sinh hoạt lớp, chào cờ... để tạo ra kết quả tổng hợp trong công tác tư vấn.
“Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường cần được quan tâm về chế độ lương, thưởng, trợ cấp phù hợp để đảm bảo đời sống, an tâm công tác, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhà trường, ngành nghề. Mã nghề Tâm lý học mới có gần đây nhưng hứa hẹn sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa trong tương lai trước nhu cầu tư vấn tâm lý ngày càng lớn của thực tiễn xã hội”, ThS Lê Minh Huân chia sẻ.
“Nhà trường cần kết hợp với các chuyên viên, giáo viên tư vấn thực hiện công tác truyền thông phù hợp để toàn trường và phụ huynh hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý nhằm xóa bỏ định kiến, tâm lý e ngại có vấn đề hay bị bệnh tâm lý mới vào phòng tư vấn tâm lý học đường”, ThS Lê Minh Huân chia sẻ.