Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên trong phòng tham vấn tâm lý. |
Phòng tham vấn tiêu chuẩn mới tiếp tục hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề về áp lực học tập, hài hòa các mối quan hệ, phòng chống bạo lực học đường, tư vấn nghề nghiệp. Thông qua hoạt động của phòng tư vấn như tọa đàm, ngày hội tham vấn, chương trình tập huấn, hoạt động ngoại khóa... giúp giáo viên, học sinh và gia đình nhận thức rõ về tác động của giá trị tinh thần tới cuộc sống.
Trong nỗ lực trở thành bạn của học sinh, chuyên gia phòng tư vấn chủ động đổi mới, cập nhật phương thức giao tiếp hiện đại qua Facebook, Zalo. Các hoạt động của phòng được xây dựng chuyên nghiệp, từ phòng ngừa đến trị liệu, can thiệp. Toàn bộ các ca tham vấn đều được nhập trên phần mềm quản lý và gửi đến bên liên quan.
Quan tâm đến tâm lý cho học sinh, Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) đã khánh thành phòng tham vấn tâm lý, tạo làn gió mới trong công tác chăm sóc đời sống tâm lý, tinh thần cho học sinh.
Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến chia sẻ: Trước đây, do đặc thù công việc, thầy cô và nhà trường chủ yếu tập trung vào công tác giảng dạy kiến thức môn học mà chưa có nhiều những công cụ và điều kiện để tham vấn cho học sinh. Thầy cô chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân để giúp các em nên hiệu quả chăm sóc đời sống tâm lý, tinh thần chưa thực sự như mong muốn và chưa thu hút học sinh đến với mình.
Với mong muốn đem lại cho học sinh nhiều cơ hội để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, bình đẳng giới, từng bước tiếp cận với các dịch vụ tham vấn bài bản và chất lượng, Trường THCS Nam Từ Liêm đã xây dựng phòng tham vấn mô hình mới với nhân sự chuyên nghiệp, chuyên môn cao hơn và cơ sở vật chất hiện đại hơn. Từ khi đi vào hoạt động, phòng tham vấn theo mô hình mới đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh, giúp công tác tâm lý học đường ngày càng đẩy mạnh và hoạt động hiệu quả.
Nguyễn Hải Bình - học sinh lớp 7A Trường THCS Nam Từ Liêm cho biết: Đã có lúc em cảm thấy căng thẳng vì áp lực học tập nên đã tìm đến phòng tham vấn để nhờ sự hỗ trợ của thầy cô. Qua trò chuyện, trao đổi, em có thể cân bằng việc học, chơi và không bị áp lực nữa. Đầu năm học, các thầy cô đã chuẩn bị nhiều bài test tìm hiểu phương pháp học tập phù hợp, giúp học sinh hiểu rõ các loại hình trí thông minh, qua đó biết tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
Còn cô Phí Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: Học sinh nói chung rất cần được tư vấn tâm lý và học sinh THCS càng cần hơn. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, áp lực thi cử cộng với việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá dài khiến học sinh rơi vào trầm cảm rất nhanh. Nhận diện vấn đề, vừa qua, nhà trường quyết định mở phòng tham vấn tâm lý học đường với sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm và một số thầy cô có kinh nghiệm về tâm lý học đường. Hiện trung bình mỗi tuần, phòng tư vấn tâm lý tiếp nhận 5 - 10 học sinh có nhu cầu.