Học sinh yếu thế không chỉ có những em có hoàn cảnh khó khăn, những em gặp những vấn đề về trí tuệ, về thể chất... khiến các em thiệt thòi trong khi hòa nhập vào môi trường học tập, mà đó là cả những học trò đang không có cơ hội để trở thành TRUNG TÂM của quá trình giáo dục.
Có một sự thật rằng, trong các tiết học, cả trực tiếp lẫn lớp học trực tuyến, hơn 70% lời nói vẫn từ giáo viên, học sinh vẫn chủ yếu trả lời câu hỏi. Có quá ít học sinh được nêu vấn đề, càng ít hơn những học sinh được bày tỏ chính kiến, được học theo cách mà các em thể hiện bản thân, phát triển năng lực của mình.
Có một sự thật nữa, đó là kĩ năng lắng nghe của người lớn xung quanh các em còn thấp, đến nỗi, nó khiến cho các em không được rèn luyện, thực hành để biết lắng nghe, biết tự chủ, biết độc lập. Thế nên, khi lớn lên, các em bị động trở thành người “yếu thế” trong tương lai.
Có nhiều điều nữa, chẳng hạn khi đầu tư tiền, cơ sở vật chất, chương trình, nội dung... để cho các em, nhưng ý kiến của các em, sự phù hợp với các em vẫn bị xem nhẹ.
Yếu thế bắt đầu từ khi nào? Từ khi chúng ta nghĩ rằng “con trẻ vẫn là trẻ con, biết gì mà nói”, rồi chúng ta áp đặt.
Khi chúng ta chưa “lấy học sinh làm trung tâm” cho các hành động, cho xây dựng chính sách, đầu tư... Khi chúng ta áp đặt nhận thức hạn chế của chúng ta, cách làm cũ kĩ của chúng ta thì phải chăng chúng ta đang làm cho học sinh yếu thế?
Dâng tặng hoa hồng cho những NGƯỜI LỚN biết gạt đi những gì cản trở, để chú tâm vào từng đứa trẻ, để chúng lớn lên tự chủ, tự lập, để tự quyết định mình sẽ không phải là người có thế yếu trong cuộc đời.