"Giới sinh viên đa phần ở trọ. Những căn phòng khá chật chội, đông người nên rất bất tiện nếu mở webcam. Có thể khi đang học, bạn bè cùng phòng thay đồ hớ hênh ở phía sau... thì vô tình để lộ hình ảnh nhạy cảm của bạn. Thế nên việc mở webcam khi học có thể dẫn đến những trường hợp khóc dở mếu dở", Trần Vũ Toàn, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng vụ việc này đã làm rõ một vấn đề bất cập là "năng lực số" của nhiều học sinh, sinh viên còn kém. Ví dụ, trong vụ việc trên, N.V.T. có thể không ý thức được giảng viên có thể quản lý, tùy chỉnh camera và micro của sinh viên.
Chưa kể, việc này cũng để lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, dạy học online. So với học trực tiếp, các lớp học trực tuyến bị hạn chế về mặt tương tác, khiến học sinh nhàm chán, dễ mất tập trung, dẫn đến việc ngủ quên hoặc làm việc riêng khi giáo viên đang giảng bài.
Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, thiết lập một số quy định cho giáo viên, sinh viên khi dạy, học online. Đồng thời, các giáo viên, giảng viên cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý các sự cố khi lên lớp.Ví dụ, trong tình huống của nam sinh T., giáo viên đứng lớp phải là người đầu tiên đứng ra xử lý khủng hoảng, quán triệt sinh viên không được phép ghi hình, tung hình ảnh, video lên mạng.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên cần được phổ cập các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là vấn đề phát tán hình ảnh, video nhạy cảm của người khác. Trong một số trường hợp, phát tán hình ảnh, video của người khác khi chưa được phép có thể bị quy vào hành vi vi phạm pháp luật. Để bảo vệ bản thân trên không gian mạng, học sinh, sinh viên cần cẩn trọng với lời nói, hành động của bản thân. Đặc biệt, khi tham gia các lớp học online, học sinh chỉ nên tập trung vào việc học, tránh làm việc riêng hoặc có những lời nói, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng đến bản thân, giáo viên và tập thể lớp.