Năm 2001, anh nhận được tin vui khi đậu vào Khoa Toán- Lý, trường Đại học Sự phạm Đà Nẵng. Để có tiền cho anh nhập học, bố mẹ đã phải bán đôi nhẫn kỷ niệm ngày cưới. Anh tính chuyện đi làm thêm, nhưng khi tìm đến nơi xin việc, họ nhìn đôi chân tật nguyền của anh và lắc đầu. Chán nản, được 1 năm, anh bỏ học về quê. Ở nhà, nhìn các em nheo nhóc, anh quyết định lên TP. Quảng Ngãi thi và đậu vào Khoa Tin học trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá.
Sau những bôn ba, anh tiếp tục học Đại học Công nghiệp TP. HCM cơ sở miền Trung và trường Đại học Khoa học Huế liên kết đào tạo tại Quảng Ngãi. Thời gian này, Trần Tuấn Kiệt phải đi làm gia sư để kiếm thêm tiền trang trải.
Gia đình nghèo khó, bà nội bị tai biến, mẹ bị thần kinh tọa, bố thì già yếu và một em đang phải sống cuộc sống thực vật. Cuộc sống tưởng như màn đêm không tìm thấy đường đi. Thế nhưng, với những con người có nghị lực phi thường, họ sẽ tự tìm đường để tiến về phía trước.
“Vừa học vừa làm thêm, nhưng tôi cũng gom góp tiền để cho bố mẹ sửa lại căn nhà cấp 4. Cũng phải mất hơn 1 năm, căn nhà mới hoàn thành. Trong suốt những năm đi học cho đến nay, ngoài việc lo trang trải kinh phí đi học và sinh hoạt của bản thân, tôi còn phụ giúp kinh tế cho ba mẹ và nuôi 2 em ăn học. Nhưng tôi coi đó là trách nhiệm và mục tiêu trong cuộc sống của mình nên thấy rất có ý nghĩa” – anh Kiệt nói.
Năm 2007, sau nhiều năm đi dạy kèm tại nhà học sinh, anh Kiệt mở lớp dạy tại nhà mình đồng thời dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Vừa học, vừa làm nhưng anh không sao nhãng việc học. Cũng trong năm này, anh đứng ra thành lập và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật. Bằng nguồn quỹ do các thành viên tự nguyện đóng và vận động từ các tổ chức cá nhân, anh cùng Câu lạc bộ thường xuyên thăm hỏi động viên người khuyết tật, tổ chức vui trung thu ngày tựu trường cho trẻ khuyết tật….
Nhìn thấy anh chị em khuyết tật trong câu lạc bộ của mình không có nghề nghiệp và thu nhập, anh đã cùng một vài anh em chung vốn mở cửa hàng photo vi tính cho người khuyết tật. Tại đây, anh vừa là kỹ thuật chính, vừa là người đào tạo hướng dẫn cho các anh chị em khuyết tật.
Với những đóng góp của mình, anh Kiệt vinh dự nhận Bằng khen của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Bằng khen của Liên Hiệp Hội Về Người Khuyết Tật Việt Nam, Giấy khen của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi và được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.