Cậu học trò xin sách trở thành thầy giáo "bảng vàng"

Ngọc Trang | 05/01/2022, 07:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Tuổi thơ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sách vở phải đi xin không ngăn được ước mơ đến với nghề giáo chàng trai Lê Anh Đông.

thay-dong-01.jpg
Thầy Lê Anh Đông (đứng giữa) cùng đội tuyển Toán.

Thầy Lê Anh Đông (Trường THPT Ngô Quyền, Xã Long Hà, Huyện Phú Riềng, Tỉnh Bình Phước) có nhiều sáng kiến được Sở Giáo dục & Đào tạo đánh giá cao, đặc biệt là thời điểm dịch ảnh hưởng lớn tới toàn ngành.

Gian khó đè nặng ước mơ

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mong muốn được sống trong vòng tay yêu thương của bố và mẹ. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như thế. Năm lên 7 tuổi, bố không may qua đời, bỏ lại mẹ và bốn anh em. Lúc đó, Lê Anh Đông có em gái 4 tuổi, em trai 2 tuổi và một em trai đang trong bụng mẹ. Kể từ lúc ấy, một mình mẹ gồng gánh nuôi dưỡng bốn anh em lên người.

Những ngày tháng khổ cực ấy Lê Anh Đông đã cố gắng không ngừng. Để đỡ đần mẹ, chàng trai trẻ đã sớm quen với những công việc như mót mủ, mót điều, làm thuê, bán chôm chôm,…

Ngôi nhà Lê Anh Đông ở nằm ở sâu trong xã Long Hà. Con đường dẫn vào nhà mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì trơn như đổ mỡ. Gia đình nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bốn anh em Đông sách vở không có để học, phải đi xin. Xe đạp cũng không có để đi… Tuy thế nhưng suốt những năm tháng ấy, chưa bao giờ Đông nản chí.

Đông nghĩ rằng, để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó chỉ có học và học thật tốt. Và rồi, nhờ sự cố gắng của bản thân và sự thương yêu của mẹ, thầy đã trở thành một giáo viên.

Chàng trai trẻ ấy trở thành "thầy Đông" đến nay đã 9 năm. Hiện Đông đã hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Toán giải tích và đang giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn tổ Toán – Tin học. 

thay-dong-02.jpg
Thầy giáo Lê Anh Đông cùng học sinh lớp 10 A1 năm học 2019 – 2020.

Cùng đồng nghiệp, học trò chống dịch

Suốt các năm qua, thầy Đông đều được chi bộ Trường THPT Ngô Quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thầy luôn ý thức, nỗ lực hoàn thành công việc, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Trong năm học này, Trường THPT Ngô Quyền triển khai phương pháp dạy học online. Với vai trò là một tổ trưởng, thầy được giao trọng trách tìm hiểu các ứng dụng, cách sử dụng và sau đó tập huấn cho các đồng nghiệp trong trường. Với tinh thần vượt khó và sức trẻ, năng lượng, sáng tạo, thầy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này và giúp đỡ nhiều thầy cô lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ.

Nhằm đem lại những tiết học hiệu quả, sinh động, thú vị không nhàm chán, thầy Đông đã dành nhiều thời gian soạn bài PowerPoint, soạn bài tập, quay các video giảng bài để gửi cho học sinh, nhằm giúp các em hiểu bài. Thầy còn tự tìm tòi thêm nhiều công cụ, phần mềm bổ trợ cho việc dạy học như bảng điện tử và ứng dụng Scrble Ink nhằm giúp học sinh theo dõi bài tập tốt hơn.

Thầy luôn được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng và giao trọng trách ôn đội tuyển học sinh giỏi các cấp và đạt nhiều thành tích đáng kể. Thầy cũng được giao nhiệm vụ ôn thi đại học và kết quả nhiều em đạt điểm cao. Từ năm học 2016-2017 đến nay, thầy đã có 5 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp Sở.

Nhờ hoàn thành tốt nhiệm vụ nên 9 năm liền thầy đều được Giám đốc Sở giáo dục tặng bằng khen, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Trong đợt dịch lan rộng ở phía Nam, thầy giáo trẻ đã xung phong làm tình nguyện viên trực tại các chốt của thôn và của xã. Thầy cũng đã vận động các học trò cũ hiện đang về nhà tránh dịch tham gia tình nguyện.

Bài liên quan
Thào A Dê "thay da đắp thịt" cho Tả Giàng Phình
(GDTĐ) - Thào A Dê lớn lên ở Tả Giàng Phình và là người đầu tiên của mảnh đất ấy đỗ đại học. Ngày nhập học, tiền trong túi bị mất trộm hết nhưng A Dê quyết định dù phải đi ăn xin cũng cố gắng học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cậu học trò xin sách trở thành thầy giáo "bảng vàng"